Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2009

ACB


Đợt lãi suất tăng giảm như chong chóng trong năm 2008 đã làm nhiều ngân hàng thương mại VN khốn đốn, ít nhất theo bài báo này. Lý do vì trong giai đoạn đầu năm 2008 khi lãi suất tăng cao nhiều ngân hàng đã phải huy động tiền gửi với lãi suất vượt quá 18%/năm. Hiện tại khi lãi suất cho vay chỉ còn bằng nửa con số đó các ngân hàng vẫn phải trả lãi suất cao cho nhiều khoản huy động có thời hạn dài (24-36 tháng) nên đang bị lỗ.

Tuy nhiên trong tình hình đó, ACB vừa công bố lợi nhuận năm 2008 đạt 2556 tỷ VNĐ (102.2% so với kế hoạch). Có thể ACB đã không quá sa đà vào cuộc chạy đua lãi suất huy động hồi đầu năm 2008, tuy nhiên lý do chính dẫn đến con số lợi nhuận tốt như vậy của ACB trong năm vừa rồi nằm ở (ít nhất) 1000 tỷ lợi nhuận từ kinh doanh trái phiếu. Có hai điều cần nói thêm về con số này.

Thứ nhất, xét về mặt kinh doanh của ACB, quyết định dồn tiền vào mua trái phiếu (chính phủ) là một quyết định khôn ngoan, rất phù hợp với phong trào "deleveraging" của các ngân hàng trên thế giới trong năm 2008. Vào thời điểm lãi suất huy động đạt đỉnh 18.5%, có lẽ bond yield phải cao hơn 20%. Với mức yield như vậy và trong hoàn cảnh kinh tế đầy rủi ro thì quyết định dồn tiền vào bonds rất hợp lý. Tất nhiên phải chấp nhận rủi ro chính phủ VN có thể default, dù xác suất này rất nhỏ.

Vào thời điểm này, lãi suất huy động vào khoảng 7.5%, tôi không biêt bond yield là bao nhiêu nhưng chắc chắn đã giảm so với đỉnh hồi tháng 6/2008 ít nhất từ 8-10%. Nếu vậy để có lợi nhuận 1000 tỷ VNĐ, ACB đã phải mua vào một lượng bond tương đương 80-100 nghìn tỷ VNĐ. Nếu so với tổng tài sản của ACB, khoảng 112 nghìn tỷ, thì số bond này rất lớn. Chắc chắn ACB chưa bán hết số bond này vì đến cuối năm 2008 tổng dư nợ của ACB chỉ là 34 nghìn tỷ, khoảng 30% tổng tài sản. Số 70% tài sản còn lại chắc phần nhiều vẫn là bond. Nếu vậy trong thời gian tới dù balance sheet của ACB có rất ít credit risk, ACB sẽ phải chịu interest rate risk khá cao (tập trung tài sản quá nhiều vào bond). Có lẽ đó là lý do tại sao ông Lý Xuân Hải, tổng GĐ ACB, tuyên bố sẽ tập trung vào tăng trưởng tín dụng và tăng đầu tư vào bất động sản và chứng khoán trong năm 2009.

Điểm thứ hai, xét về mặt quản lý kinh tế vĩ mô, việc ACB dồn tài sản vào bond có thể là một thành công của chính sách kìm chế tín dụng nửa đầu năm 2008 để chống lạm phát. Tuy nhiên khi kinh tế bắt đầu đi xuống và chính phủ đã phải tìm cách kích cầu, việc một lượng lớn tài sản vẫn nằm ở bond là biểu hiện các ngân hàng vẫn không muốn tăng tín dụng, và/hoặc giới doanh nghiệp và người dân không muốn vay thêm tín dụng. Nếu vậy, chính sách kích cầu thông qua kích thích tín dụng bằng cách hỗ trợ lãi suất có thể sẽ không phát huy tác dụng. Có thể ACB sẽ giảm bớt tỷ lệ bond đang nắm giữ vì tỷ lệ 60-70% trên tổng tài sản như vậy là quá nhiều. Nhưng các ngân hàng khác sẽ tìm cách nâng tỷ lệ này lên, nhất là nếu các cổ đông muốn "học tâp kinh nghiệm" của ACB trong năm 2008.

Nếu bond yield tiếp tục giảm, nghĩa là chính phủ có thể vay từ người dân với chi phí rẻ hơn, có lẽ kích cầu thông qua tăng chi tiêu chính phủ là một phương án nên tính tới.

Update (03/03): Mới vừa nghĩ đến tăng kích cầu qua government spending tài trợ bằng trái phiếu chính phủ thì đọc được bài viết này từ link của viet-studies. Nhớ lại entry Capacity constraint mới thấy đúng là nhiều khi một chính sách hợp lý về mặt kinh tế nhưng chưa chắc đã hiện thực hoặc tối ưu về implementation. Bài báo nói trên còn có một thông tin rất lạ, không biết có chính xác không: từ trước đến giờ tiền thu chi trái phiếu chính phủ chưa được đưa vào ngân sách.

Update (17/03): Hải Lý (TBKTSG) vừa có một bài cung cấp thêm số liệu mới về số lượng bond ACB đã nắm giữ trong năm 2008 và vào thời điểm hiện tại, thấp hơn nhiều con số tôi đưa ra ở trên. Trước hết tôi đồng ý nhiững con số tôi đưa ra chỉ dựa trên assumption là ACB mua và giữ bond để phòng tránh rủi ro, cả về lãi suất lẫn thanh khoản. Tôi không ngờ ACB đã có prop trading desk và các traders của ACB đã thành công như vậy (có lẽ ACB phải thưởng lớn cho các traders của mình năm vừa rồi). Cám ơn Hải Lý đã chỉ ra khiếm khuyết trong bài viết của tôi.

Thứ hai, số liệu do Hải Lý đưa ra trong bài viết cho thấy hiện tại ACB chỉ giữ khoảng 10% tổng tài sản dưới dạng bond, cộng thêm 30% dư nợ tín dụng, mới chỉ bằng 40% tổng tài sản. Số tài sản còn lại (60%) sẽ phải phân bố vào tài sản cố định (chắc không đáng kể), cash (VND + ngoại tệ) và required reserve (tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu con số này vượt quá 10-15%), và các khoản đầu tư tài chính khác (cổ phiếu, địa ốc, equity trong các doanh nghiệp khác). Trừ khi nhận định về cash+reserve của tôi quá thấp, ACB sẽ có khoảng 40% tài sản nằm ở các khoản đầu tư tài chính, khá cao cho một ngân hàng thương mại (commercial bank) có mô hình kinh doanh là nhận tiền gửi và cho vay lấy chênh lệch lãi suất. 

Tất nhiên nếu hội đồng quản trị của ACB đã chuyển chiến lược kinh doanh từ commercial bank sang investment bank thì cấu trúc tài sản như vậy là hợp lý. Không rõ VN đã có qui định quản lý về hoạt động investment banking chưa. Với những gì đã xảy ra ở Mỹ (Bear Stearns, Lehman Brothers) và các nước phát triển khác, mô hình investment banking sẽ phải được xem xét cẩn thận. Rất có thể hoạt động investment và deposit taking sẽ phải được tách rời như đạo luật Glass-Steagall của Mỹ ra đời năm 1933. Trong trường hợp đó ACB sẽ phải thành lập bank holding company để tách phần commercial banking khỏi investment banking.

Disclaimer: Những gì tôi viết ở đây chỉ là suy nghĩ cá nhân (trên một blog cá nhân). Đề nghị các bạn chỉ nên xem đây là thông tin tham khảo không chính thức. Tôi viết về ACB hoàn toàn vì tình cờ đọc được tin và số liệu của ngân hàng này, tôi không có bất kỳ financial interest nào trong ACB cũng như các ngân hàng khác ở VN.

Update (17/04): Không chỉ ACB của VN, JPM và GS cũng có earning chủ yếu từ fixed income trading (trái phiếu) trong tình hình khủng hoảng hiện nay.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...