Vừa đọc tin Bộ GTVT sắp sửa bắt những người lái xe ôm phải có đồng phục và phù hiệu do cơ quan thẩm quyền cấp, tôi không thể hiểu được rationale của những vị có chức có quyền như thế nào nữa.Vụ này cũng hệt như vụ qui định cân nặng và vòng ngực để được phép lái xe của Bộ Y tế mấy tháng trước đây. Có điều lần trước đụng chạm đến số đông người dân nên dư luận phản đối dữ dội hơn và Bộ Y tế đã phải bỏ kế hoạch của mình.
Tôi đã từng đi xe ôm rất nhiều ở VN, vừa tiết kiệm tiền, tiết kiệm thời gian (taxi đi trong nội thành SG bây giờ chậm hơn xe ôm là cái chắc), vừa giúp được những người lao động nghèo. Cảm nhận của tôi với tất cả những người lái xe ôm tôi đã từng đi là họ rất hiền lành, thật thà, và đa phần đứng tuổi nên khó có thể học một nghề nào khác. Đợt Tết vừa rồi về VN tôi hỏi chuyện những người chạy xe ôm và được biết thu nhập trung bình một ngày làm việc của họ, từ 6am đến 8-9pm, khoảng 80-100 nghìn đồng, khá thấp trong thời buổi lạm phát gia tăng và giá xăng dầu đắt đỏ.
Bây giờ Bộ GTVT đưa ra qui định quản lý xe ôm như vậy chắc chắn sẽ thêm một khoản chi phí cho những người làm nghề này. Tiền đồng phục, tiền khám sức khỏe, tiền hồ sơ, ..., chưa kể thời gian chầu trực ở các cơ quan công quyền để xin giấy phép và những phiền nhiễu không thể không tránh khỏi trong các thủ tục hành chính. Nhưng ngoài tất cả những điều kể trên, điểm bất công nhất là những người lái xe ôm "được" đưa vào quản lý dường như không có bất kỳ quyền lời gì, chỉ "được" một cái án phạt lơ lửng trên đầu nếu không thực hiện qui định, hoặc không thực hiện nổi vì không có đủ tiền mua đồng phục hay không thể bỏ một buổi chạy xe để đi lo giấy tờ.
Nếu Bộ GTVT cho rằng quản lý xe ôm để bảo vệ người tiêu dùng, là những người sử dụng dịch vụ xe ôm như tôi, tôi xin phép bỏ một phiếu khước từ quyền lợi này. Tuy nhiên nếu Bộ GTVT vẫn khăng khăng phải quản lý bằng được, dù rằng Bộ không giải thích được hoặc không thèm giải thích lý do của mình, thì tôi xin "hiến" một kế thế này.
Bộ GTVT xin chính phủ cho một phần, tôi nghĩ là không nhiều, trong số tiền 1 tỷ đô la kích cầu để làm những việc sau:
- Trả lương cho những bộ phận tiếp nhận và phê duyệt hồ sơ của những người lái xe ôm để họ không phải đóng phí.
- Mua và phát miễn phí đồng phục cho những người lái xe ôm được cấp phép hành nghề, có thể phát 2-3 bộ để họ còn thay đổi.
- Tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho những người lái xe ôm đến xin cấp phép, trước mắt cho đợt đầu tiên. Sau này nếu chính phủ cho phép và duyệt ngân sách thì tiếp tục khám sức khỏe định kỳ cho họ.
- Cấp cho những người được phép lái xe ôm một coupon cho phép họ bảo trì xe miễn phí tại bất kỳ tiệm sửa xe nào, Bộ GTVT sẽ hoàn lại phí bảo trì cho các chủ tiệm sửa xe khi họ đem coupon có chữ ký của người lái xe ôm đến giao nộp.
- Cấp coupon cho những người được phép lái xe ôm để họ được discount 10-20% mỗi lần đổ xăng trong năm 2009. Có thể qui định mỗi coupon chỉ được discount cho 5 lít xăng.
Tôi nghĩ nếu Bộ GTVT triển khai được những việc này, không nhất thiết toàn bộ, những người lái xe ôm sẽ tự nguyện đến đăng ký. Họ sẽ thấy được quyền lợi của việc đăng ký hành nghề chứ không phải chỉ có nghĩa vụ, Những người lái xe ôm và cả tôi và bạn sẽ cám ơn những người làm chính sách biết lo cho dân trong giai đoạn kinh tế khó khăn. Và đó chính là một biện pháp kích cầu hiệu quả nhất, điều mà chính phủ đang mong muốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét