Ai đã học qua macroeconomics đều biết tiền tệ có ba chức năng chính: phương tiện thanh toán (medium of exchange), đơn vị kế toán (unit of account), và lưu giữ tài sản (store of value). Hầu như tất cả các quốc gia đều phát hành đồng tiền riêng của mình và đều đưa việc phát hành tiền vào luật, thậm chí vào cả hiến pháp. Mặc dù việc phát hành tiền là độc quyền của các chính phủ, không phải ở đâu chính phủ cũng bắt hoặc thuyết phục được dân chúng chỉ sử dụng đồng tiền của mình. Lý do chính làm người dân không muốn sử dụng và lưu giữ đồng tiền nước mình là lạm phát, nghĩa là sức mua thực của đồng tiền giảm dần theo thời gian.
Khi các giao dịch kinh tế được thực hiện xuyên biên giới, hiển nhiên các bên tham gia cần phải sử dụng một đồng tiền nào đó làm phương tiện thanh toán và đơn vị kế toán cho các giao dịch này. Việc lựa chọn đồng tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có tập quán, sự tiện dụng, độ an toàn, và đôi khi cả sự can thiệp của chính phủ. Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất trong việc lựa chọn đồng tiền thanh toán quốc tế chính là chức năng thứ ba của tiền tệ, tức là khả năng lưu giữ tài sản của đồng tiền theo thời gian. Chính lý do này đã làm vàng trở thành đồng tiền giao dịch quốc tế phổ biến nhất trong một thời gian dài của lịch sử nhân loại.
Sau khi tiền giấy ra đời, khả năng giữ giá trị của đồng tiền, ít nhất trong mắt đa số người dân, gắn liền với sức mạnh quân sự và kinh tế của nhà nước phát hành nó. Bởi vậy khi hạm đội Anh thống trị các đại dương trên thế giới trong thế kỷ 19, đồng Bảng Anh đã trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế. Sau hai cuộc đại thế chiến, nước Anh mất vai trò đứng đầu thế giới và đồng Bảng Anh cũng dần dần nhường chỗ cho đồng Đô la Mỹ và đồng Rúp Liên xô. Sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt, đồng Đô la Mỹ độc chiếm thị trường thanh toán quốc tế và chỉ chịu nhường một phần cho đồng Euro trong vài năm gần đây. Đã có thời điểm đồng Yen Nhật được cho là có khả năng sẽ cạnh tranh vị trí độc tôn của đồng Đô la, nhất là trong khu vực châu Á. Tuy nhiên cuộc suy thoái kéo dài của Nhật từ đầu thập kỷ 90 đã làm tan vỡ giấc mơ này.
Khả năng giữ giá trị của đồng tiền càng quan trọng khi các giao dịch quốc tế không cân bằng, ví dụ khi một nước có thặng dư mậu dịch với các nước khác. Bởi vậy vị thế của đồng Đô la Mỹ càng được củng cố trong những năm gần đây khi các mất cân bằng quốc tế gia tăng. Một cái tên đã được nhiều người tôn thờ và đặt lòng tin vảo khả năng giữ giá trị của đồng Đô la Mỹ là Alan Greenspan. Ông đã từng được cho là thống đốc ngân hàng trung ương tài giỏi nhất mọi thời đại vì ông đã giữ lạm phát thấp trong khi kinh tế Mỹ trải qua một chu kỳ phát triển dài. Nhiều nước không chỉ thực hiện các giao dịch quốc tế thông qua đồng đô la Mỹ mà còn chọn gửi gắm số tiền thặng dư của mình vào các tài sản định giá bằng đô la ở Mỹ, trong đó Trung quốc đã dần vượt qua Nhật trở thành nhân vật chính. Cho đến thời điểm đạt đỉnh (10/2008), dự trữ ngoại tệ của TQ đã lên đến 1800 tỷ USD và phần lớn được đầu tư vào trái phiếu chính phủ và các tổ chức bán chính phủ của Mỹ (TQ đã phạm sai lầm khi chuyển một phần số tiền này thành cổ phiếu khi thị trường chứng khoán Mỹ đạt đỉnh vào cuối năm 2007).
Sẽ không có gì đáng nói nếu Mỹ tiếp tục là cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới, TQ tiếp tục xuất khẩu hàng sang Mỹ và là chủ nợ lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, khi Mỹ rơi vào khủng hoảng và phải đưa ra các chương trình giải cứu và kích cầu trị giá hàng ngàn tỷ Đô la, TQ đối mặt với nguy cơ đồng USD sẽ mất giá và các tài sản bằng đồng tiền này cũng mất giá. TQ không thể thanh lý số tài sản đó vì nó quá lớn nên bất kỳ một động thái nhỏ nào chứng tỏ TQ định bán sẽ lập tức làm đồng USD mất giá. Lúc đó ngân hàng trung ương TQ không thể can thiệp để giữ đồng RMB không lên giá so với USD được nữa và TQ sẽ vừa bị mất một phần dự trữ ngoại tệ vừa mất lợi thế cạnh tranh xuất khẩu do tỷ giá thấp. Tóm lại vì chính quyền lợi của mình TQ buộc phải đóng băng số tài sản bằng USD ở Mỹ, chấp nhận rủi ro sẽ bị mất một phần số tài sản đó trong khi chờ đợi kinh tế Mỹ hồi phục.
Tuy nhiên về lâu dài, TQ đã thấm thía việc bỏ hết trứng vào một rọ và phải tìm một giải pháp cho số dự trữ ngoại tệ của mình nếu vẫn muốn tiếp tục chiến lược phát triển kinh tế dựa vào xuất khẩu. TQ có thể sẽ chuyển một phần dự trữ ngoại tệ của mình sang các đồng tiền khác như Euro, Yen, Franc Thụy sĩ, Đô la Úc,... nhưng TQ hiểu rằng bất kỳ đồng tiền nào cũng sẽ có rủi ro như hoặc cao hơn USD. Vậy phân tán dự trữ ngoại tệ ra các đồng tiền khác cũng không phải là an toàn nhất. Điều mà TQ cần chính là vị thế đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế như của đồng USD hiện nay. Nhưng đạt được điều này không dễ, nhất là khi TQ vẫn còn là một nước đang phát triển và sẽ phải mất vài thập kỷ nữa để có thể có GDP ngang bằng Mỹ.
Vậy TQ phải làm thế nào để đẩy nhanh quá trình quốc tế hóa đồng RMB? Lãnh đạo TQ đã tìm ra lời giải rất khôn ngoan: thông qua đồng SDR của IMF và mở swap lines với những nước có quan hệ thương mại với TQ. SDR - Special Drawing Right - là một đồng tiền ảo do IMF đưa ra năm 1969 để phục vụ cho mục đích kế toán (chức năng unit of account của tiền tệ). Đây là đồng tiền ảo vì không có chính phủ nào đứng đằng sau nó và hầu như không được sử dụng trên thị trường tài chính quốc tế. Giá trị của nó được tính theo tỷ giá trung bình (có trọng số) của bốn đồng tiền lớn: USD, Euro, Bảng Anh, Yen. Hiện tại SDR được sử dụng chủ yếu để tính toán các khoản vay mượn của các nước thành viên IMF thông qua tổ chức này.
Theo Simon Johnson, cựu kinh tế gia trưởng của IMF, vào thời điểm này IMF chỉ có khả năng cho vay được 250 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với con số dự trữ ngoại tệ của các nước khoảng 7000 tỷ USD, chủ yếu của các nước đang phát triển. Nếu dự trữ của IMF tăng lên và IMF không còn áp đặt các điều kiện hà khắc kèm theo các khoản cho vay (IMF đã bắt đầu thực hiện điều này), nhiều nước sẽ giảm bớt dự trữ ngoại tệ của mình dưới dạng tài sản định giá bằng USD và chuyển vào quĩ của IMF định giá bằng SDR. Điều này sẽ làm tăng vai trò của đồng SDR đồng thời làm giảm tầm quan trọng của USD trong hệ thống tài chính thế giới. Khi đó, TQ sẽ có thể chuyển dần một phần dự trữ ngoại tệ của mình vào quĩ của IMF, vừa để giảm bớt rủi ro mất tiền do đồng USD giảm giá vừa tăng thêm tiếng nói của mình trong các chính sách của IMF. Đến khi đủ lực, TQ sẽ đòi phải đưa đồng RMB vào rổ tính tỷ giá SDR. Lúc đó nghiễm nhiên đồng RMB sẽ trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế (chức năng store of value) cạnh tranh với các đồng tiền lớn khác.
Song song với việc vận động đưa RMB vào rổ tính SDR và thúc đẩy SDR thay thế dần USD trong vai trò đồng tiền dự trữ quốc tế, TQ đã bắt đầu triển khai các swap lines với một số nước đang phát triển có quan hệ thương mại với mình. Điều này giúp cho các nước đối tác của TQ có thể nhập khẩu hàng hóa từ TQ mà không phải thông qua USD hay một đồng tiền thứ ba, do vậy tránh được rủi ro tỷ giá và khó khăn vay mượn đồng USD trong điều kiện khủng hoảng hiện tại. Nghĩa là TQ khuyến khích các nước dùng đồng RMB như một đồng tiền thanh toán quốc tế (chức năng medium of exchange). Thông qua các swap lines, TQ cung cấp RMB cho hệ thống ngân hàng ở các nước đối tác thông qua ngân hàng trung ương ở các nước này. Do đó các nhà nhập khẩu có thể vay RMB với một tỷ giá cố định để nhập hàng từ TQ. Ngược lại, khi nhập hàng từ các nước đối tác TQ cũng sẽ thanh toán bằng RMB và các nhà xuất khẩu ở các nước này sẽ đổi RMB lấy nội tệ theo tỷ giá cố định đã được qui định trong các swap lines.
Nếu các giao dịch qua lại giữa TQ và các đối tác cân bằng, nghĩa là xuất khẩu bằng nhập khẩu, dùng RMB hay đồng tiền của nước đối tác trong thanh toán ngoại thương qua cơ chế swap lines tương đương nhau. Vậy tại sao các nước lại đồng ý dùng đồng RMB? Ngoài những yếu tố chính trị và ngoại giao mà TQ có thể đã sử dụng để thuyết phục các đối tác dùng RMB, còn có yếu tố economy of scales. Nghĩa là vì TQ có quan hệ buôn bán với nhiều nước nên nếu TQ đứng ra tổ chức và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dịch vụ thanh toán, giao dịch, chuyển khoản ... sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian. Rất có thể TQ đã phải subsidy cho việc thiết lập các trung tâm thanh toán bằng RMB và các dịch vụ liên quan.
Tuy nhiên lý do quan trọng hơn để các nước chấp nhận đồng RMB là các giao dịch quốc tế thường không cân bằng, nghĩa là các nước có cán cân thương mại hoặc thặng dư hoặc thâm hụt. Trong trường hợp này đồng RMB có ý nghĩa quan trọng vì nhiều khả năng nó sẽ được đưa vào rổ tính SDR, do đó giá trị của nó sẽ ổn định hơn nhất là khi dự trữ của IMF tăng lên. Ngay cả trong ngắn hạn khi vấn đề SDR chưa ngã ngũ, với lượng dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình TQ có thể đảm bảo đồng RMB ít nhất sẽ không bị mất giá so với đồng USD, do đó chuyển sang giữ thặng dư thương mại bằng RMB sẽ an toàn hơn bằng USD. Đối với các nước có thâm hụt thương mại với TQ, việc tài trợ thâm hụt bằng đồng RMB khi tỷ giá được cố định qua cơ chế swap lines cũng sẽ an toàn hơn và giảm bớt sức ép thiếu hụt đồng USD. Dường như những đối tác thương mại của TQ chỉ có lợi khi thanh toán các hoạt động xuất nhập khẩu với TQ bằng đồng RMB. Vậy rủi ro của họ ở đâu?
Rủi ro đầu tiên là mặc dù đồng RMB nhiều khả năng sẽ ổn định và giữ được giá trị trong tương lai, bản thân cơ cấu kinh tế của TQ chưa hoàn toàn tự do. Chính sách về đồng RMB nói riêng và các chính sách kinh tế nói chung bị ảnh hưởng rất nhiều vào đường lối chính trị của TQ, và tất nhiên là các quan hệ ngoại giao giữa TQ và các đối tác của mình. Đồng RMB hiện tại là đồng tiền không chuyển đổi được vì TQ vẫn kiểm soát capital account. Dù thiết lập các swap lines là một cách để TQ đảm bảo với các đối tác khả năng chuyển đổi đồng RMB, nếu một nước muốn rút ra khỏi thỏa thuận swap lines với TQ vì một lý do nào đó, có gì bảo đảm dự trữ ngoại tệ của nước này dưới dạng RMB sẽ được TQ cho phép rút ra dưới dạng một đồng tiền khác.
Rủi ro thứ hai chính là rủi ro mà bản thân TQ đang phải chấp nhận khi giữ dự trữ ngoại tệ của mình bằng đồng USD. Nghĩa là rủi ro kinh tế TQ cũng sẽ có lúc rơi vào khủng hoảng hoặc suy thoái, dẫn đến đồng RMB và các tài sản định giá bằng đồng RMB sẽ mất giá. Tất nhiên giữ dự trữ bằng bất kỳ đồng tiền nào cũng phải chịu rủi ro này, điển hình là đồng USD hiện nay. Nhưng vì TQ là một nước đang phát triển, năng lực điều hành kinh tế chưa cao, bản thân cơ cấu kinh tế cũng có những điểm đáng lo ngại (ví dụ tăng trưởng phụ thuộc vào xuất khẩu và hoạt động kinh tế ở các vùng duyên hải), nên rủi ro này cao hơn.
Rủi ro thứ ba là khả năng cung cầu RMB ở các nước đối tác sẽ có chênh lệch đáng kể. Hiển nhiên các nhà nhập khẩu hàng TQ muốn thay đồng USD bằng RMB trong những giai đoạn tín dụng bằng USD khó khăn, nhất là khi họ có thể mua được RMB dễ dàng từ ngân hàng trung ương nước mình với một tỷ giá cố định. Tuy nhiên các nhà xuất khẩu hàng sang TQ chưa chắc đã muốn nhận RMB, nhất là trong thời gian trước mắt khi đồng RMB chưa thực sự là đồng tiền thanh toán và dự trữ quốc tế. Về mặt lý thuyết, sự thiếu hụt RMB sẽ làm tỷ giá đồng RMB tăng so với đồng nội tệ để khôi phục cân bằng. Tuy nhiên nhiều khả năng ngân hàng trung ương các nước đối tác của TQ sẽ mở rộng các swap lines hiện hữu để tiếp tục vay RMB từ ngân hàng trung ương TQ cung cấp cho thị trường ngoại tệ nước mình. Điều này tương đương với TQ sẽ có thặng dư mậu dịch (tính theo RMB) càng ngày càng lớn với các đối tác, dù cán cân thương mại (tính bằng USD) có thể cân bằng. Do đó các nước càng ngày càng phụ thuộc vào các swap lines, làm gia tăng các rủi ro khác liên quan đến đồng RMB.
Riêng với VN, nước có đường biên giới chung và có hoạt động thương mại ngày càng tăng với TQ, nếu đồng RMB trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế thì rất có thể đề tình trạng đô la hóa hiện tại sẽ chuyển thành RMB hóa. Mặc dù chưa thể đánh giá được tác hại tương đối của RMB hóa so với đô la hóa, một điều chắc chắn là chính sách tiền tệ của VN sẽ giảm bớt hiệu lực và hàng hóa VN sẽ mất một phần lợi thế cạnh tranh so với hàng TQ. Hiện tại hiện tượng đô la hóa có một số tác động xấu, nhưng cơ cấu hàng hóa của Mỹ và của VN rất khác nhau nên mức độ đối đầu không nhiều. Hơn nữa vì có đường biên giới chung và các hoạt động buôn bán tiểu ngạch ngày càng tăng, VN sẽ khó chống lại RMB hóa hơn đô la hóa.
Tóm lại việc mở swap lines với TQ và khuyến khích sử dụng đồng RMB trong quan hệ mậu dịch với TQ (và có thể các nước khác khi đồng RMB phổ biến hơn) sẽ có một số rủi ro cho VN. Tuy nhiên có thể đó là điểu không thể tránh khỏi, nhất là khi đồng RMB trở thành một đồng tiền trong rổ SDR và/hoặc các nước trong khu vực ký swap lines và sử dụng RMB để thanh toán với TQ hoặc với nhau. Vấn đề là VN nên phối hợp với các nước ASEAN đàm phán với TQ các điều khoản trong hiệp định song phương/đa phương về việc sử dụng RMB. Một điều rất hữu ích là nên đưa vai trò của IMF vào các thỏa thuận liên quan đến các tranh chấp sau này. Song song với việc cùng TQ khuyến khích việc sử dụng đồng RMB, VN và các nước cũng nên tính đến các giải pháp tương tự cho đồng Euro, Yen, và những đồng tiền mạnh khác để tránh bị lệ thuộc vào một đồng tiền duy nhất, dù là USD hiện tại hay RMB sau này.
Update (08/04): Mark Perry có một so sánh rất hay: đồng SDR giống như Esperanto, ngôn ngữ quốc tế một thời đã tưởng sẽ được phổ biến trên thế giới. Bây giờ đồng USD và tiếng Anh đang thống trị thế giới, nếu SDR quay trở lại liệu Esperanto có được sử dụng nhiều hơn hay không?
Update (08/04): TQ đã đạt được một phần mục tiêu của mình. Quyết định quan trọng nhất của G20 vừa rồi là tăng dự trữ của IMF thêm $500b và giám đốc IMF/WB sẽ không còn là việc riêng của Mỹ và châu Âu nữa.
Update (25/11): Barry Eichengreen cho rằng vấn đề RMB trở thành một đồng tiền dự trữ quốc tế không còn là if nữa mà là when. Bản thân TQ đặt mục tiêu 2020.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét