Mấy tháng trước tôi có comment trên một bài viết của blogger Cavenui về vấn đề lạm phát và lãi suất (tôi không biết cá nhân blogger này nhưng nhiều bài trên blog Cavenui rất hay). Cavenui cho rằng giữ lãi suất cao quá lâu sẽ làm nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc và như vậy còn đáng sợ hơn lạm phát. Lập luận của tôi như sau:
"Phần hai quan điểm của bác cho rằng đối với người nghèo suy thoái (dẫn đến thất nghiệp) đáng sợ hơn lạm phát cũng có thể đúng ở VN vì hệ thống bảo hiểm xã hội rất yếu. Nhưng suy thoái sau vài năm sẽ chấm dứt chứ lạm phát nếu không kiên quyết chống có thể sẽ kéo dài và càng ngày càng tệ hơn. Bởi vậy xét trên tổng thể xã hội về lâu dài thì chấp nhận suy thoái vài năm chưa chắc đã là phương án tệ, thậm chí nếu cứ dùng dằng để lạm phát kéo dài nền kinh tế sẽ rơi vào stagflation như thời 1980. Tất nhiên nếu hàng nghìn tỷ đồng chi tiêu công (tượng đài, bảo tàng, lễ hội...) được chuyển sang trợ cấp cho người nghèo thì tốt hơn."
Tôi nhắc lại comment này vì muốn nói đến vấn đề "collateral damage" của một chính sách kinh tế. Không chỉ những người lao động mất việc chịu thiệt mà nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Tôi rất thông cảm và cảm thấy áy náy với những "nạn nhân vô tội" này khi mình chỉ ngồi bàn giấy hô hào giữ lãi suất cao chống lạm phát chứ không phải vật lộn trong cuộc sống và kinh doanh như họ. Bởi vậy tôi vẫn luôn thừa nhận rằng giữ lãi suất cao chống lạm phát là "liều thuốc đắng" và là "cái giá phải trả cho những sai lầm trước đây chạy theo tăng trưởng nóng".
Tất nhiên tôi mong muốn hệ thống chính trị của VN có cơ chế buộc những policy makers mắc sai lầm phải chịu trách nhiệm trước người dân, có như vậy họ mới có incentive giảm thiểu sai lầm trong tương lai. Nhưng trước mắt VN cần phải có chinh sách đúng đắn để thoát ra khỏi vòng xoáy lạm phát đã kéo dài dai dẳng trong hơn 5 năm qua. Mà không chỉ lạm phát, nền kinh tế VN có rất nhiều lệch lạc và imbalance cần phải cải tổ, một lần đau để có tương lai bền vững và công bằng hơn theo tôi là điều nên chấp nhận.
Trong số 50 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2011, tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp đàng hoàng chỉ vì không may đơn hàng chậm lại trong khi lãi suất tăng cao nên phá sản. Nhưng tôi cũng tin có không ít những doanh nghiệp dạng như Vinashin, EVN Telecom, Indochina Airlines, Bianfishco đã hoặc sẽ phải chấm dứt hoạt động vì business model sai lầm, vì leverage quá cao để kiếm tiền thật nhanh, hay vì lợi dụng quan hệ ưu đãi của nhà nước để kinh doanh chứ không thực sự có entrepreneurship giỏi. Rồi hàng loạt những ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản mọc lên như nấm trong giai đoạn 2003-2007 cũng cần một cuộc thanh lọc/consolidate mạnh mẽ, và điều này chỉ có thể làm được trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, suy thoái.
Quay lại vấn đề người nghèo phải đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát Cavenui nêu ra. Hẳn nhiên nếu hàng chục nghìn tỷ đồng thất thoát vì lãng phí và tham nhũng được chi cho người nghèo thì gánh nặng họ đang phải chia sẻ với những đại gia miệng than lãi suất cao nhưng vẫn bỏ hàng chục tỷ làm đám cưới cho con sẽ giảm đi nhiều. Quan trọng hơn, cái mô hình tăng trưởng của VN đã theo đuổi trong giai đoạn 2000-2007 và đang có cơ hội quay lại không thể bền vững và công bằng. Khoảng cách giầu nghèo gia tăng nhanh chóng không chỉ vì một số nhỏ trúng đậm chứng khoán, bất động sản mà còn vì lạm phát, chủ yếu tập trung ở lương thực và các khoản chi tiêu căn bản, đã và đang bào mòn thu nhập thực của người lao động. Một xã hội, dù tính từ XHCN chỉ là cái danh, cũng không nên và không thể đi theo con đường đó mãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét