Thứ Tư, 28 tháng 3, 2012

Benchmark yield curve



Trên thực tế thị trường trái phiếu quốc tế có hai khái niệm đường cong lợi suất chuẩn. Khái niệm thứ nhất là đường cong lợi suất tham chiếu (benchmark yield curve) của trái phiếu chính phủ mới phát hành (on-the-run). Đây là đường cong lợi suất mà giới truyền thông và các dịch vụ thông tin tài chính thường nhắc đến nhưng chỉ nó có giá trị giao dịch cho một số ít trái phiếu chính phủ cấu thành đường cong đó và làm tham chiếu cho các loại bond khác. Khái niệm thứ hai ít được báo chí biết đến, thường được giới học thuật gọi là đường cong lợi suất của trái phiếu không có lãi suất định kỳ (zero-coupon yield curve hay ngắn gọn hơn là zero-curve) còn giới tài chính thường gọi là đường cong lợi suất giao ngay (spot curve). Đây mới chính là đường cong lợi suất chuẩn mà giới chuyên gia tài chính dùng để định giá tất cả các loại trái phiếu giao dịch trên thị trường.

Khái niệm đường cong lợi suất thứ nhất chỉ đơn giản là tập hợp lợi suất của các loại trái phiếu chính phủ vừa được phát hành (on-the-run) có thời hạn khác nhau. Khái niệm thứ hai phải được ước lượng từ một số lượng lớn trái phiếu chính phủ đang được giao dịch trên thị trường. Với các phương pháp ước lượng khác nhau người ta có thể có các đường cong lợi suất chuẩn (spot curve) khác nhau. Trên thị trường phổ biến nhất là ước lượng của các ngân hàng trung ương, các hãng cung cấp thông tin tài chính lớn như Bloomberg và Reuters, và một số ngân hàng đầu tư quốc tế như Barclays, UBS, ICAP.

Về mặt lý thuyết có hai phương án ước lượng cơ bản là phương pháp có thông số (parametric) và ước lượng không thông số (non-parametric). Cách thứ nhất, điển hình là phương pháp Nelson-Siegel sử dụng một mô hình lý thuyết tối giản toàn bộ đường cong lợi suất thành một công thức với vài thông số cơ bản. Số liệu giá giao dịch của các loại trái phiếu được sử dụng để ước lượng các thông số đó. Cách thứ hai sử dụng một vài kỹ thuật làm trơn (smoothing) để ước lượng giá trị trung bình cho từng điểm trên đường cong lợi suất, ví dụ kỹ thuật spline fitting. Nhìn chung các kỹ thuật ước lượng không quá phức tạp, cái khó nằm ở chỗ phải có một lượng đủ lớn dữ liệu giá giao dịch trái phiếu. Điều này đòi hỏi phải có một thị trường thứ cấp có thanh khoản tốt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...