Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2012

Interest rate vs yield



Với các công cụ nợ ngắn hạn, người cho vay thường được hưởng lãi (interest) một lần. Tiền lãi có thể được trừ (chiết khấu) khỏi tổng số tiền cho vay tại thời điểm bắt đầu hoặc cộng thêm vào thời điểm kết thúc. Dù hình thức thanh toán thế nào đi nữa, tỷ lệ lãi suất (interest rate) trên tổng số tiền cho vay phải được thỏa thuận và cố định ở thời điểm công cụ nợ bắt đầu có hiệu lực.

Với trái phiếu, thường có thời hạn dài hơn hai năm, tiền lãi được trả định kỳ theo một tỷ lệ cố định thỏa thuận ở thời điểm phát hành(*). Số lãi này có thể trả hàng năm (như trái phiếu chính phủ Đức) hay hai lần một năm (trái phiếu chính phủ Mỹ, Anh, Nhật, Úc). Trong quá khứ trái phiếu thường được phát hành dưới dạng một tờ chứng chỉ đính kèm một số tem đúng bằng số lần trả lãi định kỳ. Mỗi lần chủ của tờ trái phiếu đến lĩnh tiền lãi, nhà phát hành sẽ cắt một tờ tem khỏi cuống trái phiếu để xác nhận đã thanh toán lần trả lãi đó. Trong tiếng Anh tờ tem này gọi là coupon nên mặc dù hiện giờ trái phiếu đã được điện tử hóa hoàn toàn người ta vẫn dùng thuật ngữ này để chỉ lãi (suất) định kỳ của một loại trái phiếu.

Vì trái phiếu có thể mua bán trên thị trường nên giá của nó thay đổi theo cung cầu hàng ngày chứ không nhất thiết bằng đúng với mệnh giá. Bởi vậy tỷ lệ sinh lợi của một loại trái phiếu cũng thay đổi chứ không cố định như lãi suất định kỳ (coupon) được ấn định ở thời điểm phát hành. Thực tế trong các giao dịch trên thị trường quốc tế người ta chỉ quan tâm đến giá chứ ít ai quan tâm đến lãi suất định kỳ. Tuy nhiên để tiện so sánh mức độ sinh lời của các loại trái phiếu có lãi suất định kỳ và thời gian đáo hạn khác nhau, người ta sử dụng một con số qui ước gọi là lợi suất (yield) cho mỗi loại trái phiếu.

Về mặt kỹ thuật lợi suất được tính bằng cách xác định tỷ lệ hoàn vốn nội tại (internal rate of return) của dòng tiền (cashflow) do trái phiếu đem lại. Lợi suất càng cao thì giá giao dịch trái phiếu càng rẻ, nghĩa là càng có lợi cho người mua trái phiếu hay người cho vay tiền. Nhưng việc lời lỗ trong kinh doanh trái phiếu trên thị trường thứ cấp không ảnh hưởng gì đến nhà phát hành trái phiếu. Dù lợi suất trái phiếu có tăng hay giảm thì người phát hành vẫn phải trả một khoản tiền lãi định kỳ cố định (coupon) vào một thời điểm nhất định trong năm cho đến khi đáo hạn.

Mặc dù báo chí và giới học thuật nhắc nhiều đến khái niệm lợi suất, cần lưu ý đây chỉ là một qui ước thị trường để tiện so sánh, khi mua bán trái phiếu người ta phải qui đổi ra giá giao dịch chứ không dùng lợi suất. Tuy nhiên giá mà các công ty chứng khoán chào hoặc được niêm yết trên các sàn giao dịch chưa phải là giá cuối cùng bên mua phải thanh toán. Giá niêm yết thường được gọi là giá sạch (clean price) nghĩa là giá chưa tính đến phần tiền lãi định kỳ tích lũy kể từ lần thanh toán gần nhất. Thị trường trái phiếu niêm yết giá sạch để tránh tình trạng giá bị giảm đột biến sau khi lãi suất định kỳ được chi trả cho chủ sở hữu trái phiếu hiện tại. Sau khi đã thỏa thuận mua bán, người mua sẽ phải thanh toán theo giá toàn phần (full price/dirty price) bằng giá sạch cộng với phần lãi suất tích lũy.


(Ghi chú: (*) có một số loại trái phiếu không cố định lãi suất định kỳ mà cho phép thay đổi tùy theo tình hình thị trường.)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...