Chỉ số chứng khoán là một chuỗi số tổng hợp tình hình tăng giảm giá trị của thị trường hàng ngày(*). Trên thế giới có một số chỉ số rất nổi tiếng cho thị trường cổ phiếu như Dow Jones của Mỹ, FTSE của Anh, Nikkei của Nhật, được giới truyền thông đưa tin liên tục. Tuy nhiên hầu như không có một chỉ số trái phiếu nào được biết đến rộng rãi như các chỉ số cổ phiếu. Lý do chủ yếu của sự thiếu vắng này là tính phức tạp của thị trường trái phiếu, các chỉ số trái phiếu thường được chia nhỏ cho các phân nhánh đặc thù của thị trường nên số lượng chỉ số trái phiếu đông đảo và phức tạp hơn chỉ số cổ phiếu rất nhiều.
Hiện tại các chỉ số trái phiếu quốc tế được biết đến nhiều nhất trong giới tài chính đều do các ngân hàng đầu tư tính toán và công bố như các chỉ số trái phiếu của UBS, Barclay (Lehman Brothers), Bank of America (Merrill Lynch), Citigroup (Solomon Smith Barney). Điều này có nguyên nhân từ cấu trúc OTC của thị trường trái phiếu nên thông tin về giá đa số bắt nguồn từ các ngân hàng đầu tư lớn là các nhà tạo lập thị trường cho trái phiếu. Dạng chỉ số này gọi là chỉ số giá giao dịch (transaction price index).
Chỉ số giá giao dịch có một nhược điểm lớn là nhiều loại trái phiếu có thanh khoản rất thấp nên một vài giao dịch lớn có thể làm giá thay đổi rất mạnh. Ngoài ra có những trái phiếu không được giao dịch thường xuyên nên có những ngày không có giá giao dịch để tính chỉ số. Để giải quyết vấn đề này người ta đưa ra hai loại chỉ số khác là chỉ số giá ma trận (matrix price index) và chỉ số giá chào (dealer price index). Loại đầu sử dụng một vài mô hình định giá trái phiếu để ước lượng giá cho những trái phiếu có thanh khoản thấp. Loại thứ hai tính trung bình giá chào mua và chào bán của các nhà tạo lập thị trường (dealer) để xây dựng chỉ số.
Bên cạnh việc phân loại chỉ số trái phiếu theo nguồn số liệu, người ta thường chia theo loại hình trái phiếu, ví dụ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, trái phiếu không trả lãi suất định kỳ, trái phiếu hiệu chỉnh lạm phát, trái phiếu với thời gian đáo hạn nằm trong một khoảng nhất định. Một cách phân loại phổ biến khác là theo rủi ro tín dụng, ví dụ trái phiếu hạng đầu tư (invesment grade) cho những trái phiếu có rủi ro tín dụng cao hơn mức BBB(#) và trái phiếu lợi suất cao (high yield hay junk) cho những loại được đánh giá thấp hơn. Thông thường với bất kỳ chuỗi chỉ số trái phiếu nào cũng được tính với giá sạch (clean price index) và với giá toàn phần (total return index). Các chỉ số giá toàn phần khác nhau sẽ có các giả thiết tái đầu tư tiền lãi định kỳ khác nhau.
(Ghi chú:
(*) Hiện tại nhiều chỉ số chứng khoán được tính theo thời gian thực (real time).
(#) Ranh giới giữa trái phiếu hạng đầu tư và trái phiếu lợi tức cao không cố định, phụ thuộc vào cách phân loại của từng công ty tính toán chỉ số.)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét