Nhà báo Nguyễn Vạn Phú vừa viết một bài về vấn đề Vinashin default, tôi ủng hộ hoàn toàn những lập luận trong bài viết đó: chính phủ nhất quyết không nhượng bộ trước sức ép của các chủ nợ nước ngoài.
Không rõ mức độ cam kết/bảo lãnh của chính phủ cho khoản vay này thế nào. Theo nguồn tin này (link từ Viet-studies) có vẻ như chính phủ không bảo lãnh khi Vinashin đi vay năm 2007 mà nhóm chủ nợ chỉ vin vào một tuyên bố nào đó của chính phủ trong năm nay khi Vinashin bắt đầu gặp khó khăn. Nếu vậy về mặt pháp lý họ không thể kiện được chính phủ VN mà chỉ có thể kiện Vinashin theo hợp đồng vay. Vì khoản vay này được thu xếp ở Singapore, nhiều khả năng hợp đồng vay qui định luật chi phối là luật của Singapore. Trong trường hợp đó tòa án Singapore có thể ra lệnh phong tỏa các tài khoản của Vinashin ở Singapore như trường hợp vụ kiện Vietnam Airlines trước đây ở Ý. Tuy nhiên tôi không nghĩ Vinashin còn tiền ở Singapore để có thể bị phong tỏa.
Hơn nữa nếu tòa Singapore cho phép phong tỏa tài khoản của Vinashin, Vinashin có thể đệ trình đơn xin phá sản ở VN và vì khoản vay này không có thế chấp, sau khi Vinashin phá sản nó sẽ phải xếp sau các khoản vay có thế chấp khác. Quan trọng hơn việc xếp hàng chủ nợ của Vinashin sẽ do tòa VN quyết định, bởi vậy các chủ nợ nước ngoài sẽ mất nhiều leverage trong vụ kiện tụng này. Chưa kể khá nhiều assets của Vinashin đã được chuyển sang PVN và Vinalines, cho nên sau khi thanh lý phần tài sản còn lại của Vinashin với giá rất rẻ cho một buyer chắc chắn là một công ty trong nước (Vinashin 2) nhiều khả năng các chủ nợ sẽ không còn gì. Tôi nghĩ KPMG, công ty vừa được Vinashin thuê để dàn xếp vụ này, chắc chắn sẽ đủ sức giải thích thiệt hơn cho các chủ nợ. Với họ, chấp nhận dãn nợ để giữ được face value sẽ hơn là phải chấp nhận lỗ, mà nhiều khả năng sẽ mất sạch. Có điều chính phủ phải phát đi tín hiệu rõ ràng là sẽ để Vinashin phá sản nếu cần.
Về ảnh hưởng của credit rating cho VN và các doanh nghiệp VN, ngay cả nếu chính phủ bailout Vinashin lần này các foreign commercial creditors đằng nào cũng sẽ ngừng cho VN/doanh nghiệp VN vay trong thời gian tới. Họ thừa hiểu năng lực tài chính của chính phủ có hạn, tình hình macro của VN lại đang rối ren, tăng trưởng kinh tế bấp bênh, nên có muốn chính phủ cũng không thể tiếp tục bailout nữa. Nói cách khác "damage has been done", chính phủ và doanh nghiệp VN phải chấp nhận sắp tới sẽ rất khó đi vay thương mại trên thị trường vốn quốc tế. Như nhà báo Nguyễn Vạn Phú viết VN sẽ phải "thắt lưng buộc bụng để vượt qua các thử thách", đó sẽ là một liều thuốc đắng nhưng cần thiết.
Rất nhiều nước đang phát triển đã default nợ và bị downgrade, nhưng nếu sau đó họ ổn định được macro và có tăng trưởng tốt các nhà đầu tư nước ngoài sẽ quay trở lại, vd Argentina, Mexico, Nga. Nếu sắp tới VN bị downgrade, tôi nghĩ phần nhiều sẽ là lý do macro không ổn định chứ không phải vì Vinashin default hay phá sản. Cứng rắn trong vụ này thậm chí sẽ có lợi trong dài hạn vì các tập đoàn/tổng công ty sẽ không trông chờ vào bảo lãnh của chính phủ nữa, các chủ nợ nước ngoài cũng vậy. Đồng vốn đi vay sẽ phải làm ăn hiệu quả chứ không phải cứ đem đầu tư lung tung như Vinashin đã làm. Tôi hi vọng chính phủ sẽ quyết định đúng.
Update (09/12): Theo một nguồn tin riêng từ ... Wikileaks, trong covenant của khoản nợ $600m nói trên có qui định Vinashin không được chuyển giao một số tài sản quan trọng, trong đó bao gồm nhiều tài sản mà Vinashin đã chuyển cho PVN/VNL. Debt covenant qui định nếu điều này xảy ra Vinashin lập tức bị coi là default và phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ cả vốn lẫn lãi của khoản vay. Như vậy về mặt hợp đồng Vinashin đã lâm vào tình trạng default từ tháng 7/2010 ngay sau khi chuyển giao các tài sản cho PVN/VNL. Nhiều khả năng các hợp đồng vay khác của Vinashin cũng có qui định cross-default, nghĩa là cùng lúc Vinashin đã default tất cả các khoản vay thương mại. Nếu điều này đúng, hai lập luận bên trên của tôi càng được củng cố.
Thứ nhất, "the damage has been done", chính phủ và Vinashin dù có trả số tiền $60m vào ngày 22/12 tới đằng nào Vinashin cũng đã rơi vào tình trạng default và các chủ nợ cũng có thể kiện Vinashin ra tòa bất kỳ lúc nào. Khả năng các doanh nghiệp khác và kể cả chính phủ VN bị downgrade sẽ không phụ thuộc vào Vinashin có trả tiền đợt tới hay không, đằng nào cái mác default đã được đóng lên lưng Vinashin. Thứ hai, bargaining power của các chủ nợ khá yếu vì họ không có collateral và nếu Vinashin tuyên bố phá sản (bankruptcy) tòa phân xử sẽ ở VN. Tôi nghĩ các chủ nợ hiểu điều này nên từ tháng 7 đến nay họ "ngậm bồ hòn làm ngọt" không lớn tiếng tuyên bố Vinashin đã default dù debt covenant qui định như vậy. Về mặt nguyên tắc họ có thể yêu cầu Vinashin phải trả ngay 100% số nợ nhưng vì yếu thế và biết rằng có thể mất tất cả nên họ đang tìm cách đàm phán để gỡ gạc được phần nào hay phần đó. Tôi nghĩ phương án dãn nợ sẽ tốt hơn cho cả hai bên.
Về vấn đề uy tín quốc tế trong dài hạn như một bạn comment bên dưới, tôi nghĩ chính phủ không nên quá lo lắng nếu để Vinashin phá sản. Giới finance quốc tế thường rất to mồm khi phải đối diện với khả năng bị mất tiền do default và thường viện dẫn vấn đề uy tín. Năm 1997 khi Malaysia tuyên bố freeze capital account, rất nhiều người dự báo Malaysia sẽ mất hàng chục năm mới có thể quay lại thị trường vốn quốc tế vì bị mất uy tín. Sự thực thế nào nay ai cũng thấy, ngay khi Malaysia ổn định kinh tế, mà một phần nhờ quyết định đóng CA lúc đó, các nhà đầu tư quốc tế lại lũ lượt quay trở lại. Như tôi viết bên trên, cái quan trọng với các nhà đầu tư là triển vọng kinh tế và ổn định macro, uy tín với họ là một thứ rất dễ quên. Hay như trường hợp Ecuador mà tôi đã đề cập trên blog này cũng vậy, đến giờ chẳng còn ai nhớ đến nước này đã từng default năm 2008.
Tôi biết sẽ có người viện dẫn vấn đề đạo đức để phản đối, "quịt nợ" là điều không thể chấp nhận cho một người/một công ty/một chính phủ "đàng hoàng". Tôi không muốn đi sâu vào phạm trù đạo đức, chỉ muốn nhấn mạnh rằng default-bankruptcy hoàn toàn phù hợp với luật pháp và tập quán kinh doanh của các nước. Bạn có thể coi chuyện Vinashin không trả nợ và chính phủ không bảo lãnh là phi đạo đức, tuy nhiên khi đưa ra tòa thì các chủ nợ của Vinashin không có nhiều cơ hội thắng kiện.
Update (09/12): Theo một nguồn Wikileaks khác, năm 1998 chính phủ đã vay của Ba lan $70m rồi giao cho Vinashin để phát triển công nghiệp đóng tàu. Khoản vay này là vay chính phủ theo hiệp định giữa hai nước, nghĩa là chính phủ có trách nhiệm phải trả trong vòng 13.5-15.5 năm lãi suất 4.75-5%. Về bản chất đây là tín dụng xuất khẩu của Ba lan vì hiệp định qui định Vinashin phải mua ít nhất 70% máy móc, thiết bị có xuất xứ từ Ba lan.
Update (10/12): tôi mới biết trong các hợp đồng vay quốc tế thường có một điều khoản gọi là "pari passu clause", qui định nghĩa vụ trả nợ cho các khoản vay không thế chấp cho các chủ nợ nước ngoài phải được xếp ngang hàng với các chủ nợ không thế chấp trong nước nếu con nợ bị phá sản. Không rõ hợp đồng Vinashin có điều khoản này không, nếu có tòa VN sẽ phải xếp Credis Suisse tương đương với các chủ nợ trong nước, tất nhiên vẫn phải sau các chủ nợ có collateral. Theo một nguồn Wikeleaks khác (cám ơn các leakers, mặc dù những thông tin này không thuộc diện bí mật nhưng vẫn rất khó kiếm), ít nhất khoản vay của Vinashin từ số $750m trái phiếu quốc tế phát hành năm 2005 có thế chấp.
Update (10/12): Link này của FT từ website của GS Trần Hữu Dũng có một ý rất quan trọng là chính phủ VN không nên bảo lãnh cho Vinashin vì sẽ đi theo vết xe đổ của Ireland. Tuy nhiên tôi không đồng ý với FT cho rằng tổng số cam kết ODA cho VN trong hội nghị CG vừa rồi giảm 2% so với năm trước là một điều đáng lo ngại. ODA hoàn toàn không phải "charity" mà là những tính toán chiến lược dài hạn của các donors.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét