Một người bạn gửi cho tôi transcript buổi nói chuyện của Jing Huang, giáo sư Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu về mô hình kinh tế TQ và các thách thức TQ phải đối mặt. Buổi nói chuyện này do Bộ Ngoại giao VN và Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức ngày 22/10 vừa qua, không rõ thành phần tham dự có những ai. Mấy ngày qua bản transcript này có vẻ được lưu truyền khá rộng trong giới trí thức VN, chẳng hiểu vô tình hay cố ý. Ấn tượng của tôi khi đọc bài nói chuyện này là ... nó kém các bài viết của TS Vũ Minh Khương (cũng là GS trường Lý Quang Diệu). Riêng phần kinh tế, các lập luận/phân tích của GS Huang khá hời hợt, thậm chí sai trọng tâm và nhầm lẫn. Tôi không dám bình luận về phần chính trị, ngoại giao, quân sự của bài nói chuyện, nhưng thấy nhiều điểm trong đó không mới và không sâu như nhiều chuyên gia khác đã đề cập đến (vd The Economist cách đây 2 tuần có một chuyên đề về sự trỗi dậy của TQ và quan hệ Mỹ-Trung trong tương lai). Công bằng mà nói tôi thấy phần hỏi-đáp cuối buổi nói chuyện thẳng thắn và bổ ích hơn, tiếc là số câu hỏi và chủ đề được hỏi không nhiều và không hóc búa. Dưới đây tôi sẽ phân tích một số vấn đề kinh tế mà GS Huang nêu ra trong buổi nói chuyện.
Theo GS Huang, thành công kinh tế của TQ trong 3 thập kỷ vừa qua có 3 nguyên nhân chính: (i) ổn định chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc; (ii) cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của TQ; (iii) môi trường bên ngoài hòa bình thịnh vượng. Từ những lập luận này, GS Huang cho rằng mô hình phát triển của TQ là "Đồng thuận Bắc kinh" (Beijing Consensus), đặt trọng tâm vào lợi ích cộng đồng chứ không phải lợi ích cá nhân như Washington Consensus. Tuy nhiên GS Huang cho rằng về lâu dài Beijing Consensus sẽ hội tụ vào Washington Consensus, một kết luận không ăn nhập lắm so với những gì ông nói trước đó nhưng lại phù hợp với quan điểm của ông về tương lai dân chủ ở TQ trong phần hỏi-đáp.
Trong nguyên nhân thứ nhất, GS Huang nhất mạnh vào 2 điểm "ổn định chính trị" và "lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung quốc". Theo tôi cả 2 vấn đề này đều sai, hoặc nhẹ hơn là không đúng trọng tâm. Ổn định chính trị không phải là yếu tố quyết định cho phát triển kinh tế ở TQ hay bất kỳ quốc gia nào khác. Hãy nhìn sang Thailand, Philippines, Indonesia, hay thậm chí những nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Úc. Ở những quốc gia này "khủng hoảng chính trị" không phải là điều hiếm thấy nhưng kinh tế vẫn phát triển. Ngược lại ai dám nói dân Bắc Triều tiên đang chết đói vì ở đó không có "ổn định chính trị"? Tôi nghĩ GS Huang, hoặc vô tình hoặc cố ý, đánh đồng "ổn định chính trị" với "ổn định xã hội", cái sau mới là yếu tố cần thiết cho phát triển kinh tế.
Ổn định xã hội có thể đạt được bằng một thể chế chính trị "bàn tay sắt" như Chile, Korea, Singapore trước đây hay TQ hiện tại, bóp nghẹt mọi chống đối chính trị để nó không gây ra bất ổn xã hội. Tuy nhiên nó không phải là cách duy nhất, nhiều nước lựa chọn cách xây dựng những thể chế chính trị/xã hội tolerable với các bất đồng chính trị, ngăn không để các bất đồng này biến thành bạo động hoặc nội chiến, đảm bảo các cuộc chuyển giao quyền lực diễn ra trật tự. Tất nhiên cách thứ hai khó hơn và mất thời gian hơn, tuy nhiên nó bền vững hơn và không phụ thuộc vào một nhân vật lịch sử cụ thể như Pinoche hay Lý Quang Diệu. Ngay bản thân GS Huang cũng thừa nhận dù TQ có ổn định chính trị, đất nước này có nguy cơ đối mặt với một số bất ổn xã hội và điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển của TQ trong tương lai. Giải pháp căn cơ cho vấn đề này cuối cùng vẫn phải là quay về cách thứ hai, nghĩa là xây dựng một thể chế dân chủ, TQ đã chấp nhận điều này và câu hỏi bây giờ không phải là if nữa mà là when.
Trong phần hỏi-đáp có một câu hỏi liên quan đến chủ nghĩa dân tộc. GS Huang nói đúng là chủ nghĩa/tinh thần dân tộc ở châu Á bắt nguồn từ sự nhục nhã, thất bại và tâm lý muốn phục thù trước phương Tây. Không dấu diếm, GS Huang chỉ ra việc Đảng Cộng sản Trung quốc đang phải dùng chủ nghĩa dân tộc để "củng cố tính hợp pháp chính trị của mình". Nếu vậy yếu tố "dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ" xem ra không hẳn cần thiết cho "ổn định chính trị". Bất kỳ một đảng phái nào nếu có tính hợp pháp (theo nghĩa có tinh thần dân tộc), đều xứng đáng và có thể đứng ra đảm đương trách nhiệm cầm lái được. Cứ cho là hoàn cảnh lịch sử đặt ĐCSTQ vào vai trò lãnh đạo, câu nói của GS Huang đúng ra phải là "ổn định xã hội dưới sự đồng thuận về tinh thần dân tộc". Tinh thần dân tộc, chứ không phải bất kỳ thứ chủ nghĩa nào khác, là chất keo gắn kết xã hội TQ đồng lòng phát triển kinh tế.
Yếu tố thứ hai cho sự thành công của TQ theo GS Huang, cơ chế kinh tế thị trường định hưỡng xã hội chủ nghĩa, là một khái niệm khá "dũng cảm". Chưa cần viện dẫn các bằng chứng/lập luận từ các nguồn khác, chỉ nhìn vào những gì GS Huang nêu ra về các doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, ngành dịch vụ..., cũng có thể thấy vai trò của cái mà ông gọi là "định hướng xã hội chủ nghĩa" khá mờ nhạt. Theo GS Huang, "định hưỡng xã hội chủ nghĩa" đồng nghĩa với nhà nước giữ lại các ngành kinh tế then chốt, các commanding heights theo cách gọi của Lenin. Từ đó nhà nước có thể "can thiệp" vào tiến trình phát triển kinh tế để lèo lái nó theo một con đường tối ưu, trong hoàn cảnh của TQ là đảm bảo tăng trưởng 2 chữ số.
Tôi không phải chuyên gia chính trị nhưng tôi hiểu tính từ "socialist" không phải là "nhiều can thiệp nhà nước", đó chỉ là một hệ quả phụ. Một hệ thống chính trị/xã hội có tính socialist là một hệ thống hướng đến phúc lợi và sự bình đẳng của mọi người dân thông qua vai trò của nhà nước, trái với một hệ thống free market chấp nhận sự bất bình đẳng xã hội. Xét trên quan điểm này hệ thống kinh tế TQ trong những năm vừa qua thiên về phía free market hơn là socialist. Hầu hết các doanh nghiệp quốc doanh của TQ đều được cổ phần hóa hoặc chuyển đổi theo hướng thị trường, cắt bỏ hầu hết các phúc lợi xã hội cho nhân viên. Chênh lệch thu nhập trong xã hội ngày càng lớn trong khi các cơ chế bảo hiểm xã hội hầu như chưa có. Cựu thủ tướng Chu Dung Cơ là một lãnh đạo bị "căm hận nhiều nhất [sic]" bởi vì ông đã phá bỏ nhiều yếu tố socialist trong nền kinh tế TQ.
Nhưng chính việc chuyển dịch dần sang phía free market đã tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ của TQ. Nếu cứ coi can thiệp nhà nước là "đinh hướng xã hội chủ nghĩa" như GS Huang nói, can thiệp quan trọng nhất trong hơn 30 năm đổi mới của TQ là để các doanh nghiệp quốc doanh vận hành theo cơ chế thị trường. Ngay cả trong ví dụ chính phủ TQ cho các ngân hàng quốc doanh "bán nợ xấu" cho Morgan Stanley, Goldman Sachs mà GS Huang nhắc đến, bản chất vấn đề là write off bad assets, một biện pháp cực kỳ pro-market mà ngay cả các nước "tư bản đầu sỏ" cũng rất ngại khi phải áp dụng. GS Huang hoàn toàn không đưa ra một ví dụ nào về việc chính phủ can thiệp vào các commanding heights để thúc đẩy tăng trưởng. Xét về mặt này, VN với những can thiệp chính phủ nhằm thúc đẩy tăng trưởng ở những ngành mũi nhọn như đóng tàu trước đây hay khai khoáng hiện nay còn có "đinh hướng xã hội chủ nghĩa" hơn TQ nhiều (tất nhiên trên quan điểm của GS Huang coi định hướng xã hội chủ nghĩa tương đương với can thiệp nhà nước).
GS Huang có nhắc đến các cố gắng kiềm chế lạm phát và ổn định tiền tệ, nhưng ông khá "ngắc ngứ" khi bị hỏi về dự trữ ngoại hối. Một lần nữa những điều ông đề cập đến chẳng ăn nhập gì với khái niệm "định hướng xã hội chủ nghĩa" theo cả cách hiểu của ông lẫn cách của tôi. Ổn định vĩ mô luôn là mục tiêu của mọi nền kinh tế dù theo định hướng nào đi nữa. Yếu tố cuối cùng liên quan đến thành công của TQ là môi trường bên ngoài hòa bình thịnh vượng. GS Huang không nói gì thêm về điều này trong bài phát biểu, có lẽ vì ông cho rằng không quan trọng và quá obvious. Nếu tôi được đặt câu hỏi cho ông về vấn đề này, tôi sẽ hỏi sự sụp đổ của khối XHCN ở Đông Âu và chiến tranh lạnh chấm dứt có ảnh hưởng thế nào đến TQ và đường lối phát triển của TQ. Cá nhân tôi cho rằng nếu chiến tranh lạnh không chấm dứt, TQ vẫn phát triển vì xã hội/nền kinh tế của nó đã đến tipping point. Điều kiện bên ngoài có tác dụng hỗ trợ nhưng không phải quyết định (khác với VN). Tôi cũng sẽ hỏi tại sao ông không đả động đến vấn đề demography như là một thách thức lớn của TQ trong 20-30 năm nữa. Ông có quá chủ quan khi không nghĩ rằng các lãnh đạo hiện tại của TQ đang rời bỏ dần chiến lược peaceful rise của Đặng Tiểu Bình, phải chăng đấy là backlash của nationalism mà chính ĐSCTQ đang đề cao. Còn nhiều câu hỏi nữa mà tôi nghĩ người VN ai cũng muốn làm rõ.
Khái niệm Beijing Consensus được Joshua Cooper Ramo, cựu biên tập của tạp chí Time, đưa ra từ năm 2004. Khái niệm này không phổ biến lắm và ít khi được giới học giả nhắc đến. Ý tưởng của Ramo là một quốc gia (đang phát triển) thay vì chạy theo free market như Washington Consensus kêu gọi thì có thể học tập TQ ở 3 điểm sau: (i) sẵn sàng thay đổi và chấp nhận "dò đá qua sông" (lời khuyên của Đặng Tiểu Bình); (ii) hướng đến tăng trưởng bền vững với một xã hội công bằng (ít nhất theo nghĩa phân bổ thu nhập); (iii) tự chủ về mặt chính trị. Bạn có thể thấy Beijing Consensus của Ramo khác hoàn toàn với khái niệm mà GS Huang đưa ra trong bài nói chuyện ở VN. Tôi nghĩ không phải ông không biết mà có thể ông đã được đặt hàng trước về "định hướng xã hội chủ nghĩa".
Note 1: Tôi không được phép "phát tán" bản transcript, bởi vậy bạn nào cần đọc chịu khó search trên mạng, tôi nghĩ không quá khó có thể tìm được một wikileaks nào đó.
Note 2: Tôi disable phần comment trong entry này để có thời gian tập trung viết tiếp M&B :-)
Update (20/12): Một tàu cá của TQ "cố tình" đâm vào tàu biên phòng Korea, kết quả tàu cá chìm và phía Korea bắt giữ 8 thủy thủ TQ, một thủy thủ chết sau đó. Càng ngày TQ càng tỏ ra hiếu chiến và từ bỏ chiến lược peaceful rise của ĐTB. The Economist cho biết Bộ trưởng Bộ Ngoại giao TQ Yang Jiechi hiện không là thành viên của Bộ Chính trị, điều này cho thấy các chính sách ngoại giao của TQ có thể đang thiếu leadership.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét