Thứ Hai, 16 tháng 11, 2009

Usury


Mấy hôm nay đọc báo thấy QH đang bàn thảo về luật NHNN, nổi bật nhất là vấn đề có bỏ hay không qui định về lãi suất cơ bản. Thực ra việc thực thi chính sách tiền tệ thông qua điều hành một loại lãi suất nào đó là cách phổ thông nhất trên thế giới. Tên gọi và tính chất của loại lãi suất này khác nhau ở mỗi nước (vd Fed funds rate ở Mỹ, Cash rate ở Úc, Bank rate ở Anh, Refi rate ở EMU...). Dự thảo luật NHNN (chắc do NHNN soạn thảo) cũng có nói sẽ sử dụng một số loại lãi suất để chi phối lãi suất thị trường, tuy không nói cụ thể là lãi suất gì trừ có nhắc đến lãi suất tái cấp vốn. Theo tôi đây là một thiếu xót của dự luật này. Đúng ra luật NHNN phải qui định rõ lãi suất mục tiêu của NHNN là lãi suất nào, tên gọi là gì, áp dụng trong thị trường nào, ai là người điều chỉnh, qui trình điều chỉnh ra sao. Đây là một vấn đề hệ trọng và tôi sẽ bàn vào dịp khác.

Mặc dù có thiếu xót sót như vậy, dự thảo luật NHNN có đề cập đến công cụ lãi suất. Nếu coi lãi suất cơ bản là lãi suất công cụ của chính sách tiền tệ thì thực ra dự thảo này không bỏ lãi suất cơ bản, nó chỉ không gọi tên lãi suất đó là lãi suất cơ bản mà thôi, không như một số đại biểu quốc hội hiểu nhầm là NHNN cố tình bỏ lãi suất cơ bản và sẽ không còn công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Lý do mà NHNN đã cố tình lờ đi cái tên "lãi suất cơ bản" lại không nằm trong luật NHNN mà nằm trong luật Dân sự. Điều 476 của Luật Dân sự qui định không ai được phép cho vay vượt quá 150% (gấp rưỡi) lãi suất cơ bản, mục đích là để chống lại tình trạng cho vay nặng lãi.

Thực ra nếu để có lãi suất tham chiếu cho việc chống cho vay nặng lãi thì Luật Dân sự có thể dựa vào lãi suất cho vay trung bình trên thị trường liên ngân hàng hay lãi suất tiền gửi trung bình của một số ngân hàng thương mại lớn. Cách này vừa thuận lợi hơn vì lãi suất tham chiếu phản ánh kịp thời và chính xác hơn mặt bằng lãi suất trên thị trường vừa không bị lệ thuộc vào một cái tên gọi mà NHNN có thể thay đổi trong tương lai. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng cho rằng những nước có luật chống cho vay nặng lãi (usury) cũng dùng cách tính trung bình như vậy.

Một điểm nữa cần xem xét là liệu cái trần 150% của Điều 476 Luật Dân sự có phù hợp hay không, dù là so với "lãi suất cơ bản" hay lãi suất cho vay trung bình trên thị trường. Hiện tại Fed Funds Rate của Mỹ đang là 0.25%, lãi suất (yield) của trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 3 tháng là 0.27%, lãi suất cho thời hạn 10 năm là 3.4%, thời hạn 30 năm là 4.2%. Như vậy các mức lãi suất cho các thời hạn khác nhau vượt xa giới hạn 150%. Nếu xét lãi suất cho vay địa ốc dài hạn hay lãi suất trái phiếu công ty thì chênh lệch với Fed Fund Rate còn cao hơn nữa. Như vậy nếu Mỹ cũng áp dụng qui định giới hạn 150% lãi suất cơ bản như Luật Dân sự VN thì thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng băng. Không chỉ có Mỹ, có lẽ toàn bộ thị trường tài chính thế giới sẽ không vận hành được trong một giới hạn cứng nhắc như vậy.

Bởi vậy, dù ý định ngăn ngừa cho vay nặng lãi là rất cần thiết, nhất là trong hoàn cảnh VN, nhưng Điều 476 Luật Dân sự cần có sự sửa đổi để qui định này không trở thành một rào cản cho việc vận hành và phát triển lành mạnh thị trường tài chính. Việc sửa đổi phải tính đến thực tế của thị trường và không nên quá cứng nhắc theo một con số hay một tên gọi nào đó. Trong khi nghiên cứu phương án sửa đổi, QH nên tăng giới hạn 150% lên, ít nhất cũng là 250% như NHNN đã từng đề nghị. Đây không phải là vì quyền lợi của giới ngân hàng mà là quyền lợi của toàn bộ nền kinh tế.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...