Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2010

Currency war


Thứ Hai tuần trước, Andrew Robb, bộ trưởng tài chính đối lập của Úc đã lên tiếng yêu cầu chính phủ nước này phải có biện pháp ngăn chặn xu hướng tăng giá của đồng nội tệ. Trước đó hai tuần, Guido Mantega, bộ trưởng tài chính Brazil đã thừa nhận một cuộc chiến tranh tiền tệ quốc tế đã xảy ra. Ông này ám chỉ việc ngân hàng trung ương Nhật và một số nước khác can thiệp trực tiếp vào thị trường ngoại hối nhằm kéo đồng tiền nước mình xuống - một cuộc chiến mà ai cũng muốn mình là người thua trận.

Tại sao có chuyện ngược đời như vậy? Thông thường giá trị của một đồng tiền quốc gia có liên hệ mật thiết với tình hình kinh tế của nước đó. Khi kinh tế phát triển mạnh, cán cân thanh toán dồi dào thì đồng tiền quốc gia đó có xu hướng lên giá, đó là ước mơ của tất cả các nước. Một đồng tiền yếu thường gắn liền với một nước luôn bị thâm hụt cả trong lẫn ngoài, lạm phát cao, sức cạnh tranh kém. Tuy nhiên, Trung quốc với nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trong hơn ba thập kỷ qua và thặng dư thương mại cũng lớn nhất thế giới lại có một đồng tiền bị cho là yếu. Nhiều nhà kinh tế, điển hình nhất là Paul Krugman - người được giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008, cho rằng đồng RMB yếu là chìa khóa cho thành công kinh tế của nước này nhưng cả thế giới mà chủ yếu là Mỹ phải trả giá.

Thực ra chính sách giữ nội tệ yếu để phát triển kinh tế thông qua xuất khẩu đã được nhiều nước áp dụng trước đây. Sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1999, hầu hết các nước Đông-ĐNÁ áp dụng chiến thuật này và đã phục hồi nhanh chóng. Trước đó, trong những năm 1980-1990, Mexico, Thụy điển, Canada, Ireland đều có những giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh khi tỷ giá yếu. Đi xa hơn nữa, trong giai đoạn Đại Suy thoái 1929-1933, những quốc gia chấp nhận phá giá nội tệ bằng cách từ bỏ cơ chế bản vị vàng bị ảnh hưởng nhẹ hơn những nước cố gắng bảo vệ đồng nội tệ. Qui luật này đã được hai nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff chỉ ra trong một nghiên cứu của mình: sau khi khủng hoảng tài chính nổ ra, các quốc gia thường dựa vào tỷ giá yếu để phục hồi nhanh xuất khẩu, qua đó thoát ra khỏi suy thoái kinh tế.

Lần khủng hoảng này cũng không nằm ngoài qui luật. Khi khủng hoảng tài chính qua đi, sức cầu trong nước sụt giảm và không thể tăng nhanh vì thất nghiệp cao, nhiều nước quay ra tìm thị trường xuất khẩu. Nhưng khác với đa số những lần khủng hoảng trước, thế giới không thể trông chờ vào Mỹ như là điểm đến cuối cùng cho hàng xuất khẩu của mình nữa vì bản thân kinh tế Mỹ cũng rơi vào suy thoái. Nước Mỹ trong nỗ lực tái cơ cấu lại nền kinh tế sau khủng hoảng, xuất khẩu ra thế giới xem ra cũng là cứu cánh cho thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới này. Đích thân Tổng thống Obama đã đề ra mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu trong vòng 2 năm tới, và con đường dễ dàng nhất để đạt được mục tiêu này là một đồng USD yếu.

Ngay khi cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu lắng xuống vào cuối nửa đầu 2010, đồng USD bắt đầu yếu đi nhanh chóng khi hai ngân hàng trung ướng lớn nhất thế giới bên hai bờ Đại Tây Dương quyết định đi theo hai thái cực. Một bên, Cục Dự trữ liên bang Mỹ kiên quyết lập trường nới lỏng tiền tệ, thậm chí ám chỉ sẽ tiếp tục chính sách nới lỏng số lượng (QE) để kích thích kinh tế. Bên kia, Ngân hàng Trung ương Châu Âu, vẫn khẳng định chống lạm phát là mục tiêu duy nhất mà cơ quan này được giao phó và sẽ theo đuổi đến cùng. Bởi vậy giới đầu cơ tiền tệ quốc tế không khó có thể tính ra được cán cân cung cầu USD-Euro sẽ ngả theo hướng nào. Như đổ thêm dầu vào lửa, nhiều ngân hàng trung ương các nước khác đã bán USD để dịch chuyển bớt dự trữ ngoại tệ của mình sang Euro. Đồng USD, từ chỗ là nơi tránh bão chỉ mấy tháng trước khi các quốc gia khối PIIGS (Hi lạp, Ý, Tây ban nha, Bồ đào nha, Ireland) có nguy cơ vỡ nợ, bỗng chốc tuột dốc không phanh.

Một thực tế là hầu hết các nước đang phát triển khi giao dịch ngoại thương đều dùng đồng USD làm phương tiện thanh toán. Do đó khi đồng USD mất giá thì các quốc gia này phải cố giữ cho tỷ giá của đồng tiền nước mình so với USD không tăng, nếu không cái miếng bánh xuất khẩu toàn cầu đã vốn nhỏ sau khủng hoảng lại càng thu hẹp lại. Hậu quả là chỉ vài ngày sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật khởi xướng cuộc chiến tranh tiền tệ, 25 ngân hàng trung ương khác đã nhanh chóng tham gia và con số này không dừng lại ở đó. Trong cuộc chiến tranh tiền tệ này - hay còn gọi là cuộc chạy đua phá giá cạnh tranh - các ngân hàng trung ương mua USD vào rồi chuyển số USD này thành Euro, bảng Anh, yên Nhật, đô la Úc, và có lẽ một phần không nhỏ thành vàng. Đây là nguyên nhân quan trọng làm giá vàng tăng phi mã trong tháng 9.

Vì nước nào cũng muốn đẩy USD ra khỏi hệ thống tài chính của mình, một hệ quả quan trọng là dòng vốn USD bỗng trở nên tràn ngập trên thị trường tài chính quốc tế. Các nước đang phát triển lại phải đối mặt thêm với vấn nạn dòng "tiền nóng" (hot money) do các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư nước ngoài tuồn vào. Bởi vậy dù cho nhiều nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi, các nhà chức trách bắt đầu lo ngại khả năng bong bóng chứng khoán và bất động sản lại xảy ra. Brazil, Hàn quốc rồi Thái lan đã chính thức đưa ra các biện pháp ngăn chặn dòng tiền nóng này, họ vẫn còn ám ảnh bởi những gì xảy ra hồi khủng hoảng 1997-1999. Nhưng khác với Malaysia thời gian đó, lần này những biện pháp kiểm soát dòng vốn quốc tế này lại được ca ngợi là cẩn trọng.

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh tiền tệ đã thực sự xảy ra và một cuộc chiến tranh thương mại không còn quá xa vời, các tổ chức quốc tế không thể làm ngơ. Cuộc họp thường niên của các thành viên IMF tuần trước có tâm điểm là vấn đề tỷ giá. Đích thân Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã phải cố gắng hòa giải căng thẳng giữa các nước mà mũi nhọn chủ yếu tập trung vào Trung quốc. Tuy nhiên chưa có một giải pháp nào được đưa ra và giới tài chính quốc tế đang ngóng chờ cuộc họp G20 sắp tới ở Seoul như một hi vọng cuối cùng. Cả Mỹ và Trung quốc đã có một số nhượng bộ nhỏ trước thềm cuộc họp này. Mỹ đồng ý hoãn việc phán xét Trung quốc có phải là quốc gia can thiệp không lành mạnh tỷ giá hay không (curency manipulator), còn Trung quốc cho đồng RMB tăng thêm 2% so với hồi đầu tháng 9. Điều này lặp lại kịch bản đã diễn ra hồi cuối tháng 3, nhưng khác với lần trước, lần này giải pháp cho đồng RMB sẽ không còn là chuyện nội bộ giữa Mỹ và Trung quốc nữa.

Năm 1945 tại Bretton Woods, John Maynard Keynes đã đề suất một cơ chế tái cân bằng thương mại quốc tế trong đó cả những nước có thặng dư cũng phải chia sẻ gánh nặng với các nước bị thâm hụt. Phía Mỹ đã thẳng thừng bác bỏ đề nghị của Keynes vì lúc đó họ là nước chủ nợ và xuất siêu ra thế giới. Đúng 65 năm sau cán cân đã đảo ngược và những nhà hoạch định chính sách Mỹ bây giờ mới thấm thía đề nghị của Keynes. Không phải Keynes đã dự báo được tương lai của Mỹ mà ông nhìn vào quá khứ: một hệ thống tài chính quốc tế quá thiên vị các nước có thặng dư đã góp phần tạo mầm mống cho chiến tranh thế giới thứ hai. Lần này một cuộc chiến tiền tệ và thương mại đã manh nha, nếu không ngăn chặn được hậu quả của nó sẽ là một thế giới bất ổn hơn.

(Một version của entry này đã được đăng trên SGTT)


Update (24/10): Bài này tóm tắt ý tưởng của Keynes 65 năm trước với mục tiêu chia sẻ gánh nặng rebalancing cho cả các nước bị thâm hụt lẫn các nước có thặng dư thương mại. Như đã nói bên trên, kế hoạch này bị phía Mỹ gạt bỏ và thay bằng hệ thống Bretton Woods, trong đó đồng USD trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế. Hôm qua Tim Geithner đã đưa ra đề nghị capping current account (khoảng 4% GDP) mà mục tiêu chính là nhắm vào TQ. Về bản chất đây là điều Keynes đã đề nghị, nhưng phương án của Keynes có tính khả thi (enforcible) hơn.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...