Vấn đề khai thác bauxite ở Tây nguyên lại nóng lên sau khi Hungary xảy ra tai nạn tràn bùn đỏ, gióng lên làn sóng lo ngại về một thảm họa nghiêm trọng hơn nhiều nếu xảy ra ở VN. Tôi ủng hộ việc QH tiếp tục đưa vấn đề này ra thảo luận, tuy nhiên không tán thành ý kiến của Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Lê Quang Bình. Ông Bình cho rằng có thể đồng ý với việc khai thác bauxite nếu chính phủ "cam kết với Quốc Hội và nhân dân về sự an toàn, đặc biệt là xử lý bùn đỏ."
Tôi không rõ ông Bình hiểu chữ "cam kết" như thế nào, đối với tôi cam kết phải bao hàm hai khía cạnh: pháp lý và tính khả thi. Nếu cam kết không có giá trị pháp lý thì người đưa ra cam kết có thể/nhiều khả năng sẽ không thực hiện cam kết khi trách nhiệm xảy ra. Ngay cả nếu cam kết có giá trị pháp lý, nếu nó không có khả năng thực thi thì cũng chẳng có giá trị. Ví dụ nếu "dị nhân" Nguyễn Vũ Tuấn Anh ký hợp đồng đuổi mưa cho HN trong dịp đại lễ, hợp đồng qui định nếu có mưa ông ta sẽ bồi thường cho HN 1 tỷ đô. Hợp đồng đó có thể có giá trị pháp lý nhưng rõ ràng không có khả năng thực hiện.
Quay lại vấn đề chính phủ cam kết an toàn cho dự án khai thác bauxite Tây nguyên. Muốn cam kết này có giá trị pháp lý ràng buộc chính phủ, chính QH phải đưa nó thành một đạo luật. Điều này khá phức tạp và chưa có tiền lệ ở VN nên không hi vọng sẽ xảy ra. Nhưng ngay cả nếu có một đạo luật như vậy tính khả thi cũng không cao vì khả năng tài chính của chính phủ có hạn. Nếu thảm họa xảy ra khi bùn đỏ tràn xuống Nam Trung bộ và Đông Nam bộ, chính phủ chắc gì đủ khả năng tài chính để khắc phục triệt để hậu quả, đừng nói gì đến đền bù thiệt hại vật chất và tình thần cho hàng triệu người dân/doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Bởi vậy dù ông bộ trưởng Bộ TNMT, ông TGĐ TKV, hay ông Thủ tướng đứng ra "cam kết" hay "thề độc" với QH và nhân dân về tính an toàn của dự án, đây không phải là giải pháp tốt và đáng tin. Giải pháp của tôi như sau: QH yêu cầu TKV mua bảo hiểm cho thảm họa tràn bùn đỏ từ một công ty bảo hiểm uy tín quốc tế hoặc từ một/vài công ty bảo hiểm VN với điều kiện các công ty này phải tái bảo hiểm trên 80% liability với các công ty tái bảo hiểm quốc tế. Hợp đồng bảo hiểm phải cam kết cover toàn bộ chi phí khắc phục hậu quả đưa môi trường về nguyên thực trạng và bồi thường thiệt hại cho tất cả dân chúng/doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu thực hiện được điều này tôi cho rằng cả vấn đề pháp lý và tính khả thi về cam kết an toàn của dự án sẽ được đảm bảo.
Nhưng xin đừng quên đấy chỉ là khía cạnh môi trường/an toàn của dự án. Ngay cả khi TKV mua được bảo hiểm, QH vẫn cần xem xét các mặt khác như hiệu quả kinh tế, ảnh hưởng xã hội, an ninh, quốc phòng... trước khi đồng ý.
Update (25/10): Kỹ sư Nguyễn Thành Sơn cho rằng người tuyên bố "ta theo mô hình của Brazil và Úc chứ không theo mô hình của Hungary" là "lừa bịp dự luận" và "chẳng hiểu gì". Người nói câu đó là Bộ trưởng TNMT Phạm Khôi Nguyên.
Update (25/10): Hóa ra: "Về mặt kỹ thuật cũng như kinh tế thì đưa xuống bờ biển là hợp lý nhất.... Nhưng Bộ Chính trị yêu cầu để trên Tây nguyên vì không chỉ là yếu tố kinh tế mà còn cả yếu tố xã hội. Để nhà máy trên đó giúp phát triển Tây nguyên." Đây là lời ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Chủ tịch HĐQT TKV. Lập luận này nghe quen quen, có ai nhớ đến một dự án "khủng" trước đây được dời từ Vũng tàu ra Dung quất không? Cũng vì yếu tố xã hội và giúp miền Trung phát triển đấy! Bác này khôn ghê, đá ngay quả bóng cho Bộ Chính trị, đố ai còn dám cãi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét