Tình cờ đọc được một bài viết cũ của Krugman (qua Greg Mankiw) từ năm 1994. Bài viết phê phán quan điểm của Clinton và nhiều người khác cho rằng các quốc gia cũng có competitiveness giống như các doanh nghiệp. Bài viết có nhiều ý hay và đặc biệt có 3 ví dụ về cách sử dụng và phân tích số liệu kinh tế sai, các bạn sinh viên kinh tế nên đọc bài này.
Krugman lập luận rằng khi Coca Cola cạnh tranh với Pepsi, được của bên này là thiệt hại của bên kia. Đó là cuộc cạnh tranh một mất một còn, một zero-sum game. Trong cuộc cạnh tranh này, bên nào thua sẽ phá sản và biến mất khỏi cuộc chơi. Trong khi đó các quốc gia, về phương diện kinh tế, cạnh tranh với nhau không có nghĩa là tiêu diệt nhau, mà ngược lại có thể có lợi vì sự phồn vinh của đối thủ của mình. Một quốc gia thua thiệt trong cạnh tranh quốc tế có thể bị suy thoái kinh tế, mức sống của người dân suy giảm (hoặc không theo kịp các nước khác), nhưng nó không thể bị diệt vong.
Một doanh nghiệp "xuất khẩu" gần như 100% sản phẩm của mình, trong khi một quốc gia, dù có độ mở rất lớn cũng không thể xuất khẩu nhiều như vậy. Doanh nghiệp phải bán được hàng mới tồn tại và tiếp tục phát triển, quốc gia không xuất khẩu nhiều vẫn có một thị trường nội địa to lớn (tất nhiên đừng để hàng TQ giành mất nốt thị trường nội địa). Cũng từ ý này, Krugman cho rằng nếu cách lãnh đạo quốc gia quá bị ám ảnh về vấn đề competitiveness có thể sẽ đưa ra những chính sách sai lầm, không chỉ có hại cho bản thân quốc gia đó mà còn ảnh hưởng đến kinh tế/thương mại thế giới.
Đấy là Krugman lập luận cho Mỹ, châu Âu, và Nhật trong những năm đầu thập kỷ 90. Còn với VN ngày nay thì sao? Là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở lớn, có lẽ so sánh competitiveness của một doanh nghiệp với VN cũng không quá khập khiễng như Krugman phân tích. Một doanh nghiệp có một lượng vốn (equity) ban đầu để kinh doanh, nếu làm ăn thua lỗ số equity đó sẽ bị bào mòn dần và sẽ phá sản khi equity bị âm. Trong trường hợp VN, equity có thể hiểu là tài nguyên thiên nhiên và human capital. Nếu không cạnh tranh được, với hàng TQ chẳng hạn, VN sẽ phải ăn dần vào số equity đó thông qua bán tài nguyên hoặc bán sức lao động (tại chỗ dưới hình thức gia công giá rẻ cho các ông chủ nước ngoài và xuất khẩu lao động đi làm những công việc nặng nhọc lương thấp ở các nước khác).
Khi một doanh nghiệp "ăn hết" equity nó sẽ bị phá sản và biến mất, nhưng đó chỉ là mất tên hiệu chứ physical assets và công nhân thì vẫn còn đó, có điều chủ sở hữu là người khác. Một quốc gia không phá sản theo nghĩa bị biến mất khỏi bản đồ thế giới, nhưng rất có thể sẽ bị mất quyền tự chủ, mất hết tài nguyên quốc gia và công dân sẽ chỉ còn là những kẻ làm thuê ngay trên quê hương mình. Bởi vậy, khái niệm competitiveness cho VN có lẽ cũng không kém phần quan trọng so với một doanh nghiệp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét