Còn nhớ hồi đầu năm 2008 một số chuyên gia kinh tế VN cho rằng VN chưa đủ năng lực để hấp thu số vốn FDI quá lớn chảy vào trong năm 2007. Sự quá tải này là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát tăng vọt và bong bóng bất động sản/chứng khoán phình to. Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này, một nền kinh tế luôn có capacity constraint nên một sự gia tăng đột biến về đầu tư hay tiêu dùng đều gây ra những hiệu quả phụ ngoài mong muốn.
Mấy hôm nay báo chí và dư luận đang rất phẫn nộ về việc xà xẻo và chi sai đối tượng tiền trợ cấp ăn tết cho người nghèo của chính phủ. Những việc làm sai trái này là biểu hiện của tình trạng tham nhũng cố hữu ở VN và cần phải bị trừng phạt. Tôi nghĩ chính phủ đã thiếu sự chuẩn bị và chỉ đạo sát sao để tránh những lỗi lầm như vậy. Giá như đồng thời với việc công bố chính sách hỗ trợ tiền cho người nghèo chính phủ phối hợp với báo chí cảnh báo trước các cán bộ xã, những người sẽ trực tiếp phát số tiền này cho dân, rằng họ sẽ bị trừng phạt rất nặng nếu không đưa đủ và đúng đối tượng. Giá như thay vì những cuộc đi thăm chúc tết rất hình thức, các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đến từng địa phương tham gia trực tiếp vào việc lên danh sách hộ nghèo và phát tiền cho dân. Giá như thay vì để các quan xã "ban phát" số tiền này hãy để cho người dân tự lên danh sách và quản lý việc cấp phát ...
Tuy nhiên cũng nên nhìn nhận hiện tượng này trên khía cạnh capacity constraint. Nghĩa là với năng lực hành chính có hạn, một chính sách kinh tế xã hội rộng lớn như vừa rồi chắc chắn sẽ bị méo mó khi thực thi. Ngay cả ở những nước phát triển như Mỹ, Úc, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo hệ thống hành chính hiện tại sẽ không đủ năng lực để quản lý một lượng tiền kích cầu quá lớn. Cho nên khi thiết kế các chính sách kích cầu, ngoài việc cân nhắc các yếu tố kinh tế như multiplier hay impact delay, còn phải xem xét đến năng lực thực hiện nữa.
Nói như vậy để thấy số tiền 420,000 tỷ đồng mà chính phủ hi vọng sẽ được bơm vào nền kinh tế thông qua chính sách hỗ trợ 4% lãi suất có thể sẽ là quá lớn với capacity constraint của cả nền kinh tế và hệ thống hành chính, chưa cần biết tính đúng sai của chính sách này.
Update (19/03): Tác giả này cho rằng cuộc khủng hoảng xảy ra vì các regulation hiện hữu không được enforced đầy đủ (capacity constraints) chứ không phải vì thiếu regulation.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét