Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Janet Yellen


Giới kinh tế học nổi tiếng thường xuyên bất đồng quan điểm. Ví dụ mới nhất là hai khôi nguyên Nobel Kinh tế năm nay, Eugene Fama và Robert Shiller, không thể đồng ý với nhau về vấn đề bong bóng giá trên thị trường chứng khoán. Vậy nhưng hồi đầu tháng 7 vừa rồi một số lớn các nhà kinh tế đoàn kết một cách bất ngờ. Hiếm khi nào Joseph Stigltiz, Paul Krugman, Greg Mankiw hay John Taylor có cùng quan điểm về một vấn đề kinh tế hay chính sách, vậy mà họ cùng lúc viết báo, blog, ký thỉnh nguyện thư và trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông nhất quán ủng hộ Janet Yellen trở thành chủ tịch Fed thay thế cho Ben Bernanke. Vậy Janet Yellen có gì đặc biệt mà được giới kinh tế ủng hộ đến vậy?

Trước hết cần phải nói một trong những lý do quan trọng Yellen được nhiều người ủng hộ vì ứng cử viên thứ hai mà TT Obama muốn tiến cử lúc đó là Larry Summers. Tuy Summers là một nhà kinh tế xuất sắc, từng là bộ trưởng Tài chính dưới thời Clinton và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Obama, ông bị cho là quá thân thiện với giới Wall Streat (bản thân Summers đã từng làm việc cho một quĩ đầu tư lớn). Ngoài ra Summers có tiếng là người bộc trực, từng gặp rắc rối vì những lời phát biểu gây sốc của mình. Ở điểm này Yellen là thái cực ngược lại, luôn luôn nhẹ nhàng, cẩn trọng trong từng lời phát biểu. Để đăng một bài nghiên cứu kinh tế trên một tạp chí uy tín có thể Summers sẽ hơn Yellen, để vận hành một cơ quan với vô số mối quan hệ kinh tế lẫn chính trị phức tạp như Fed đa số đặt cược vào người phụ nữ có mái tóc bạc trắng này.

Nói vậy không có nghĩa là Yellen kém hiểu biết về kinh tế so với Summers. Trên thực tế tờ Wall Streat Journal đã làm một thống kê cho thấy hơn 10 năm qua Yellen là quan chức Fed có số lần đưa ra các dự báo kinh tế chính xác nhiều nhất. Bà là một trong số rất ít kinh tế gia dự báo được bong bóng bất động sản trong thập kỷ 2000 ở Mỹ. Trong khi Summers và Christina Romer đưa ra một dự báo phục hồi kinh tế đầy lạc quan năm 2009, Yellen đã nhìn thấy một tương lai ảm đạm sau cuộc khủng hoảng tài chính nên đã ủng hộ tích cực cho chính sách nới lỏng số lượng (QE) của Bernanke. Cho đến thời điểm này bà vẫn được coi là người có tư tưởng "bồ câu" nhất trong số các thành viên của Hội đồng Chính sách Tiền tệ (FOMC) của Fed.

Mặc dù có quan điểm vẫn tiếp tục giữ QE thêm một thời gian nữa Janet Yellen đã rất khéo léo khi trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Cộng hòa trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, trấn an những nghị sĩ này rằng QE sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Yellen cũng ghi một điểm quan trọng trong buổi điều trần khi tuyên bố sẽ gia tăng các hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng để phòng ngừa từ xa rủi ro khủng hoảng tài chính. Đa số các nhà bình luận cho rằng Yellen sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu của Ủy ban này vào thứ Năm tới và sau đó dễ dàng được toàn thể Thượng viện Mỹ thông qua. Bà sẽ trở thành nữ chủ tịch đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm của Fed.

Có bằng tiến sĩ kinh tế tại đại học Yale, từng giảng dạy tại Harvard, LSE và Berkeley, Janet Yellen hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) của Fed. Được đề cử vào vị trí này năm 2010 khi đang là giám đốc chi nhánh Fed tại San Francisco, Janet Yellen đã từng trải qua những vòng điều trần gắt gao của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện mặc dù trước đó đã là thành viên của FOMC. Cùng thời điểm đó Ủy ban này đã thẳng thừng gạt Peter Diamond, giáo sư kinh tế Harvard vừa được giải Nobel, vào Board of Governors. Mặc dù Fed được cho là một cơ quan có tính chuyên môn kinh tế cao, kinh nghiệm chính trường và khả năng vận động hành lang đã giúp Yellen đi xa hơn Diamond.

Nhiều người hi vọng rằng sau khi Yellen lên thay Berannke cuối tháng 1/2014, chính sách của Fed sẽ uyển chuyển hơn để vừa tiếp tục kích thích kinh tế vừa tránh được búa rừu của các nghị sĩ "diều hâu" Cộng hòa. Nhiều khả năng QE sẽ được giữ lâu hơn, cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6% chứ không phải 6.5% như Bernanke đã hứa. Yellen cũng có thể nghe theo khuyến nghị của Oliver Blanchard, kinh tế gia trưởng của IMF, chấp nhận mức lạm phát mục tiêu cao hơn, khoảng 3% thay vì 2% như hiện tại. Điều này có thể sẽ giúp kinh tế Mỹ phục hồi mạnh hơn, nhưng một làm sóng thanh khoản mới có thể sẽ lại tràn vào các nước đang phát triển gây ra sức ép lạm phát như giai đoạn 2010-2012. Kinh tế Mỹ và thế giới phục hồi là một cơ hội, nhưng những nhà làm chính sách tiền tệ phải cảnh giác.


[Note: Một version của bài này đã được đăng trên Người Đô thị.]


Update: Phân loại dove-hawk trong FOMC hiện tại (Nguồn: The Big Picture):


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...