Mấy hôm trước tôi có một comment trên G+ về vấn đề vốn tự có vs vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần của VN. Một bài báo của VNEconomy cho biết theo số liệu thống kê của NHNN thì có vẻ các ngân hàng TMCP đang phục hồi vì vốn tự có đã gần như xóa hoàn toàn khoảng cách với vốn điều lệ. Vào website của NHNN tìm số liệu gốc tôi thấy bảng số liệu sau cho tháng 9/2013 (có thể chọn các bảng số liệu tương tự cho từng tháng ngược về đến tháng 4/2012):
(Nguồn: NHNN)
Trước hết cần phải nói việc công khai số liệu lên website như vậy là một điều rất đáng hoan nghênh, hi vọng NHNN sẽ tiếp tục đăng tải thêm thông tin để mọi người có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và an toàn của hệ thống. Ở đây tôi xin nêu ra một số thắc mắc/nhận xét liên quan đến bảng số liệu này.
- Nếu bạn để ý số liệu cột 11 (Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn) bạn sẽ thấy có 2 số âm ở mục NH Liên doanh, nước ngoài và Ngân hàng HTX Việt nam. Đây là một điều khó hiểu, NHNN cần giải thích tại sao tỷ lệ này lại có thể âm? Xem các bảng số liệu của các tháng trước cột này của Ngân hàng liên doanh, nước ngoài luôn luôn âm còn của Ngân hàng HTX có lúc âm lúc dương.
- Giá trị của cột số liệu này cho toàn hệ thống (hang cuối cùng) là 17.54%, một con số khá nhỏ và cực kỳ an toàn. Nếu con số này đúng có lẽ nào hơn 80% các khoản cho vay là ngắn hạn (giả sử ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn) hoặc các ngân hàng có một tỷ lệ vốn huy động dài hạn rất lớn. Giá như NHNN công bố tỷ lệ cho vay ngắn hạn/trung, dài hạn thì sẽ rõ ràng hơn.
- Số liệu ROA của toàn hệ thống là 0.2 không rõ được tính như thế nào? Nếu tính theo asset-weighted thì phải là 0.38. Tương tự như vậy equity-weighted ROE của toàn hệ thống sẽ là 3.74 (dùng vốn tự có). Còn equity-weighted CAR sẽ là 16.19%, asset-weighted CAR là 14.15% thay vì 13.76% như trong bảng. Việc ROA hay CAR của từng phân khúc ngân hàng cao trong khi của toàn hệ thống thấp cũng giống như thống kê GDP các tỉnh cao nhưng của cả nước lại thấp.
- CAR, theo qui định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, được tính bằng equity/risk-adjusted assets. Trong đó equity là vốn tự có còn risk weight thay đổi từ 0% đến 250% tùy loại assets. Con số này của các ngân hàng TMCP vào tháng 9/2013 là 12.81%. Nghịch đảo của nó là risk-adjusted leverage, bằng 7.8, nhỏ hơn nhiều so với simple leverage (assets/equity) bằng 12.21 hay earning leverage (ROE/ROA) 10.89. Điều này bình thường nhưng khi so với tháng 9/2012 thì risk-adjusted leverage tăng trong khi earning leverage lại giảm, cho thấy mức độ rủi ro (tính theo CAR) tăng không tương xứng với lợi nhuận tăng.
- Cả 3 loại leverage này của khối ngân hàng nước ngoài đều rất thấp, chỉ bằng nửa của nhóm ngân hàng nhà nước hoặc cổ phần. Tuy nhiên ROA của nhóm này lại cao nhất, chứng tỏ họ làm ăn rất hiệu quả nên không cần sử dụng nhiều leverage. Một lý do khác giải thích ROA cao có thể là họ chiếm được nhiều thị phần trong phân khúc các dịch vụ ngân hàng có high margin mà không cần cạnh tranh giành giật deposit với các ngân hàng nội địa. Dù lý do gì đi nữa rõ ràng các ngân hàng nội địa phải học tập và gia tăng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.
- Quay lại vấn đề vốn tự có vs vốn điều lệ, tôi vẽ lại đồ thị 2 loại vốn này dưới đây cho khối TMCP:
Có thể thấy hệ thống ngân hàng TMCP bị 2 cú shock rất lớn trong quí 2 2012 và quí 1 2013, mất một lượng lớn vốn tự có (khoảng 12%). Tôi ngờ rằng đây là những giai đoạn các ngân hàng TMCP phải phân loại và chấp nhận NPL cao đột biến và phải trích lập dự phòng (trừ vào vốn tự có). Tuy nhiên trong những giai đoạn này ROA/ROE của các ngân hàng vẫn dương nên trừ khi các qui tắc kế toán của VN "không giống ai" tôi không thể giải thích được tại sao vốn tự có lại bị mất như vậy (các bạn có thể viện dẫn những vụ như ACB lỗ 500 tỷ vì buôn vàng nhưng nên nhớ ROA/ROE của toàn hệ thống vẫn dương). Như vậy không kể số liệu thống kê có vấn đề, báo chí và giới chuyên gia đã "mù tịt" về nhiều khoản lỗ cực lớn trong giai đoạn này.
Nhưng chưa hết, sau khi bị rớt xuống đáy trong Q1 2013, vốn tự có của khối ngân hàng này tăng rất mạnh trong Q2 và Q3 trong khi vốn điều lệ không tăng đáng kể. Trong bối cảnh vốn điều lệ cao hơn vốn tự có, ngay cả nếu các ngân hàng này phát hành thành công cổ phiếu ra công chúng (mà rất ít bằng chứng) thì cũng khó có thể có thặng dư vốn trừ khi price/book ratio rất cao - một điều không tưởng trong bối cảnh kinh doanh ngân hàng hiện nay. Bạn có bỏ tiền mua cổ phiếu một ngân hàng với giá cao hơn mệnh giá trong khi giá trị sổ sách đã xuống thấp hơn mệnh giá? Vậy chỉ còn khả năng trong giai đoạn này các ngân hàng TMCP có lợi nhuận lớn và họ giữ lại lợi nhuận để tăng vốn tự có hoặc họ re-classify lại nợ xấu để thu lại một phần trích lập dự phòng trước đây đã trừ vào equity. [Update 19/11: Theo bản tin này thì ngành ngân hàng đã "cơ cấu" lại 300 nghìn tỷ đồng, không rõ NPL có được "cơ cấu" theo không.]
Liệu lợi nhuận của khối ngân hàng TMCP trong Q2/Q3 2013 có cao không? Số liệu ROA/ROE của Q2 dương nhưng không quá lớn, Q3 chưa có báo cáo nên không rõ thế nào. Để ước lượng lợi nhuận của các ngân hàng trong Q3, tôi vào website của TCTK xem số liệu GDP của Q3 cho ngành "Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm". Chín tháng đầu năm 2013 ngành này có GDP bằng 124 nghìn tỷ, một bước nhảy vọt so với 6 tháng đầu năm mới chỉ có hơn 61 nghìn tỷ (3 tháng đầu năm là 27 nghìn tỷ). Không rõ TCTK có phân chia lại nhóm ngành không nhưng cả năm 2012 ngành "Tài chính, tín dụng" chỉ có GDP bằng 56 nghìn tỷ, còn năm 2011 là 48 nghìn tỷ. Như vậy trong Q3 GDP của nhóm này tăng 85% so với Q2 (chưa annualized), còn 3 quí đầu năm tăng 120% so với toàn bộ năm 2012. Tất nhiên nhóm các ngân hàng TMCP chỉ chiếm một phần trong tổng số GDP ngành đó và lợi nhuận chỉ là một phần của GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng "khủng" như vậy phù hợp với sự phục hồi "thần kỳ" của vốn tự có theo số liệu của NHNN.
Có điều chẳng biết số liệu của cả NHNN lẫn TCTK có phản ánh đúng thực trạng ảm đạm của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng hay không. Theo các bạn analyst của VDSC thì khu vực dịch vụ tài chính trong Q3 2013 có ROA và ROE đều dưới 1%, thấp hơn nhiều số liệu của NHNN và TCTK. Nếu bạn (như tôi) tin số liệu của VDSC hơn, bạn sẽ có nhiều câu hỏi cho NHNN và TCTK về độ chính xác của số liệu cũng như sức khoẻ thật sự của hệ thống ngân hàng TMCP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét