Nếu bạn đọc 10 bài viết về kinh tế TQ trên báo chí quốc tế, tôi dám chắc không dưới 5 bài có nhắc đến vấn đề demography và chính sách một con của nước này. Và tôi cũng dám chắc 100% các bài báo về one child policy đều cho rằng đây là một chính sách sai lầm và sẽ gây rất nhiều khó khăn cho TQ trong tương lai (gần) khi dân số già đi rất nhanh. Thêm vào đó tư tưởng trọng nam khinh nữ còn làm vấn đề mất cân bằng giới tính trầm trọng hơn và có thể còn nguy hiểm hơn cả việc dân số già đi. Ngay cả trong hiện tại chính sách này đã và đang có những hệ lụy tồi tệ như việc một số cán bộ dân số tỉnh Hồ Nam "tịch thu" những đứa trẻ của những gia đình sinh con quá tiêu chuẩn, hay như một số bệnh viện của TQ quảng cáo bán thuốc giúp phụ nữ có thế sinh đôi hay sinh ba để "lách luật" một con.
Tôi nghĩ không chỉ báo chí ngoại quốc mà ngay cả giới trí thức và policy makers của TQ cũng biết điều này. Bởi vậy tôi rất thắc mắc tại sao TQ không từ bỏ chính sách kiểm soát dân số này, nhất là khi hiện tại kinh tế TQ đã khá hơn trước rất nhiều và ít người cho rằng dân số là một gánh nặng nữa. Tất nhiên nếu bỏ đột ngột thì có thể sẽ gây ra một cú shock dân số (bệnh viên, nhà trẻ quá tải...), nhưng không khó để có thể dãn sự bùng nổ này trong vài năm. Theo một bài báo gần đây của The Economist, việc "nhắm mắt làm ngơ" trước mối hiểm họa dân số này của lãnh đạo TQ liên quan đến việc TQ sẽ có đại hội đảng vào năm sau và nước này sẽ có một cuộc chuyển giao quyền lực quan trọng giữa 2 thế hệ lãnh đạo. Điều này cũng tương tự như VN, trước mỗi kỳ đại hội thường không một quyết sách lớn nào được đưa ra.
Tuy nhiên cách giải thích này cũng chưa thực sự thuyết phục vì nếu đây là vấn đề quan trọng thì tại sao các lãnh đạo TQ không đưa vào thảo luận trong đại hội đảng hay trong các cuộc họp cấp cao? Hay ít nhất một vài vị lãnh đạo nào đó phải đề cập đến nó và nói sẽ tìm cách khắc phục? Theo bài báo nói trên của The Economist, chỉ duy nhất một quan chức cấp sở của tỉnh Quảng Đông dám nói công khai trên báo chí. Theo tôi, có lẽ vấn đề chính sách một con này là một taboo chính trị của TQ, nghĩa là politicians không dám nhắc đến nó vì dễ bị chụp mũ là không tuân theo "đường lối của đảng". Chính điều này tạo thành một cái vòng luẩn quẩn, hay theo ngôn ngữ kinh tế là "bad equilibrium", không ai dám động chạm đến nó nên càng ngày nó càng trở nên cấm kỵ. Ở VN cũng có nhiều loại taboo như thế, dù có thể cả trong lẫn ngoài đều cho rằng đó là những điều cần thay đổi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét