Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010

Broken links


Chắc các bạn còn nhớ một số entries trên blog này có links đến các bài viết cũ của tôi trên Minh Biện. Đó là những bài viết rất công phu và tâm huyết của tôi về một số vấn đề kinh tế vĩ mô của VN, cẩn thận, chi tiết, dài và nghiêm túc hơn đa số các entries trên blog này. Mặc dù gần đây tôi không còn contribute bài nào trên MB nhưng tôi vẫn đang là co-author của MB và vẫn hi vọng sẽ có dịp viết được một bài thật nghiêm túc để đăng trên website này. Được đứng cùng những trí thức tài giỏi và có tâm như Dương Danh Huy, Lê Minh Phiếu, Nguyễn An Nguyên, Trần Vinh Dự... với tôi là niềm tự hào.

Tuy nhiên tôi vừa nhận được tin Minh Biện đã bị hacked. Ai làm và với động cơ gì có lẽ chúng tôi, những co-authors của Minh Biện, sẽ không bao giờ biết được chính xác. Tuy nhiên với những bài viết đa phần thuộc "lề trái", Minh Biện, cũng như Bauxitevn hay Talawas và hàng loạt các websites/bloggers không chính thống bị attack liên tục gần đây, nhiều khả năng là nạn nhân của một "chiến dịch làm sạch thông tin" vì mục đích chính trị chứ không phải hành động phá hoại nông nổi của một vài hackers độc lập.

Tôi chưa rõ tương lai của Minh Biện như thế nào, nhiều khả năng các links trong blog này vào MB sẽ không còn hoạt động. Những broken links đó với nhiều người sẽ chỉ là một trong số hàng nghìn, hàng triệu broken links trên cyberspace, nhưng với tôi nó sẽ là những broken links tới một điều tuy trừu tượng, mơ hồ, xa xôi nhưng lại rất cụ thể như một chùm khế, con đò, dòng sông tuổi thơ. Tôi sợ và không muốn nghĩ đến cái ngày những links cuối cùng broken.

Update (13/2): Nhân một số bạn nói về chuyện lề phải, lề trái, tôi chợt nhớ đến câu chuyện này. Hồi nhỏ có lần ai đó nói với tôi trên các con đường lớn nhà số lẻ thường ở lề bên trái, số chẵn ở bên phải. Vài ngày sau tôi chợt thắc mắc lề phải hay lề trái tùy thuộc vào mình đứng quay về phía nào nên cho rằng qui luật số lẻ bên lề trái số chẵn lề phải không đúng. Lề phải hay lề trái tùy thuộc vào hệ qui chiếu của người quan sát.

Sau đó rất lâu lại một ai đó nói với tôi rằng ở các thành phố số nhà trên các con đường lớn thường được đánh bắt đầu từ trung tâm thành phố chạy ra, như vậy qui luật lề phải lề trái phải hiểu theo nghĩa nhìn từ trung tâm ra. Hóa ra vậy và thắc mắc của tôi về hệ qui chiếu khi xét phải trái cho lề đường đã được giải tỏa... cho đến khi viết blog này :-)

Mấy hôm nay tôi lại tự hỏi vậy ai là người có hệ qui chiếu trung tâm, ai là người có hệ qui chiếu ngoại ô? Hiển nhiên ở trung tâm là những người có quyền thế, giầu sang, còn ngoại ô là dân nghèo, thấp cổ bé họng. Lề trái với nhóm thứ nhất lại là lề phải của nhóm thứ hai, có điều ở bất kỳ đâu, bất kỳ thời đại nào số người ở ngoại ô cũng đông hơn nhiều lần số người sống và làm việc ở trung tâm thành phố.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...