Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

SCIC VI


Neel Kashkari, cánh tay phải của Paulson trong những ngày khủng hoảng năm ngoái, vừa được Pimco mời về làm managing director. Thời còn làm phụ tá cho Paulson lương của Kashkari chắc chắn không quá $150K. Bây giờ với vị trí mới này ở Pimco, nhiều khả năng tổng thu nhập của Kashkari (salary+bonus+benefits) phải tầm $3-5m, nghĩa là gấp 20-30 lần so với lương khi còn là quan chức nhà nước. Trường hợp Kashkari không phải cá biệt.

Nếu ông Trần Văn Tá khi còn làm thứ trưởng Bộ Tài chính có lương khoảng VNĐ3m, tôi không có gì ngạc nhiên khi ông nhận được VNĐ50-100m ở vị trí tổng giám đốc một doanh nghiệp vào loại lớn nhất VN. Chưa cần so sánh với giới tài chính trong nước (với mức lương USD10K/tháng không phải là hiếm), lương của các tổng giám đốc các doanh nghiệp như Vinamilk, Ree, hay thậm chí tổng biên tập những tờ báo lớn (TN, TT) có thể đã bỏ xa lương hiện tại của ông Tá. Tôi đồng ý với TS Nguyễn Quang A rằng lương như vậy ($78m) là thấp chứ không phải cao với một vị trí quan trọng như tổng giám đốc SCIC, vấn đề là năng lực của người ngồi ở vị trí đó như thế nào. Tuy nhiên tôi cho rằng cả Kiểm toán Nhà nước và báo chí/dư luận trong mấy ngày qua đã bị "đánh lạc hướng" vào vấn đề lương bổng của SCIC mà không chú ý đến những vấn đề khác quan trọng hơn nhiều liên quan đến SCIC.

Công bằng mà nói lương bổng là thứ dễ cân đông đo đếm và dễ tìm ra sai phạm nên thanh tra tập trung vào đây. Chưa kể đây là vấn đề rất dễ đánh động dư luận và có political impact cao nên các phe phái chính trị thích sử dụng chiêu này. Chẳng phải chỉ ở VN mà ngay cả dân chúng và các chính trị gia Anh, Mỹ, Pháp, Úc cũng tốn rất nhiều thời gian phẫn nộ mức lương+thưởng của các bankers và tìm cách ngăn cản những mức lương trên trời này (vd TARP salary czar ở Mỹ, 50% bonus tax ở Anh). Nhưng hầu hết giới kinh tế hiểu rằng đây chỉ là những vấn đề mị dân và có rất ít tác dụng trong việc ổn định tài chính cũng như giảm bớt chênh lệch thu nhập.

Quay lại các vấn đề của SCIC, về nguyên tắc tôi không tán thành việc thành lập một siêu tổng công ty đem vốn của nhà nước đi đầu tư trong khi ngân sách đang thâm hụt nặng nề và dự trữ ngoại tệ của NHNN cũng chẳng nhiều nhặn gì. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc thù hiện nay khi nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi (hơi bị lâu) sang kinh tế thị trường, tôi tán thành việc thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý, xin nhấn mạnh là chỉ quản lý thôi, số cổ phần của nhà nước trong các SOE và các cựu SOE đã được cổ phần hóa. Vấn đề đầu tư nên để các doanh nghiệp tự quyết định và SCIC chỉ có tác động định hướng thông qua các hội đồng quản trị.

Nếu đặt trọng tâm vào việc quản lý vốn nhà nước, Kiểm toán Nhà nước nên đi sâu vào hoạt động của các đại diện SCIC trong các hội đồng quả trị các công ty trong portfolio của SCIC đồng thời kiểm toán thật kỹ đánh giá (valuation) giá trị của các doanh nghiệp đó. Valuation một doanh nghiệp là một việc rất khó và subjective, nhất là với các doanh nghiệp chưa niêm yết. Cho nên kiểm toán phải rà soát thật kỹ phương pháp valuation, các assumptions, các số liệu đầu vào... mà SCIC sử dụng. Các private equity managers luôn tìm cách đẩy valuation các doanh nghiệp lên cao để thu phí (trong trường hợp của SCIC là có thành tích để báo cáo và tăng quĩ tiền lương) nên lợi nhuận có thể bị thổi phồng. Vai trò của kiểm toán là chỉ ra những sai lầm/sai trái này để chủ sở hữu vốn (nhà nước) có biện pháp thích hợp với các managers (ở đây là SCIC).

Việc đánh giá hiệu quả đại diện của SCIC trong các hội đồng quản trị còn khó khăn và tốn công sức hơn nhiều. Khó khăn lớn nhất là trình độ và hiệu quả của các đại diện không phải lúc nào cũng phản ánh đúng qua hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng có thể hội đồng quản trị không có vai trò gì và ngược lại. Tôi không rõ giới kiểm toán quốc tế đánh giá board members các công ty như thế nào, nhưng chắc họ phải xem cả một quá trình dài cộng với uy tín và kinh nghiệm của các thành viên đó chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào kết quả kinh doanh. Trong trường hợp của SCIC, tôi nghĩ khả thi nhất là xem vai trò bảo vệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thua lỗ như thế nào. Ví dụ trường hợp Jetstar các đại diện của SCIC có làm tròn vai trò của mình không hay đã bị các executives qua mặt/mua chuộc. Vấn đề lương bổng của Jetstar theo tôi cũng là phụ, cái chính là những sai lầm của Jetstar (như vụ không tuân thủ qui trình bảo trì máy bay) đã được các đại diện của SCIC bám sát đến đâu. Tóm lại người đại diện có trình độ và công tâm bảo vệ vốn nhà nước hay không mới là điều Kiểm toán Nhà nước/báo chí cần tìm hiểu.

Trên đây là 2 vấn đề quan trọng mà tôi cho rằng Kiểm toán Nhà nước và dư luận/báo chí đã bỏ qua trong khi quá chú trọng vào chuyện lương bổng của lãnh đạo SCIC. Đành rằng đồng lương phải tương xứng với năng lực và đóng góp, nó chỉ là một yếu tố nhỏ trong toàn cảnh bức tranh SCIC, thậm chí nhỏ hơn cả việc kiểm tra các chuẩn mực kế toán mà SCIC sử dụng, các qui trình đầu tư, quản lý rủi ro, các qui định báo cáo/công khai tài chính, qui trình tuyển dụng nhân viên... Nếu SCIC phải giải trình trước một ủy ban của QH, mong rằng các thành viên của ủy ban này dẹp bớt bức xúc với con số 78 triệu mà tập trung vào những vấn đề lớn hơn để đồng tiền của dân không bị thất thoát hoặc đầu tư không hiệu quả.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...