Chủ Nhật, 9 tháng 5, 2010

Bank size II


Trong một entry trước tôi đã so sánh hệ thống ngân hàng VN với Mỹ để cho thấy thực ra dựa vào nhiều chỉ tiêu không thể nói số ngân hàng thương mại của VN quá nhiều hoặc nhiều ngân hàng quá nhỏ, ít nhất so với Mỹ. Do vậy không nhất thiết phải consolidate hệ thống ngân hàng để giảm bớt số lượng ngân hàng hay tăng độ lớn của các ngân hàng, ngược với xu hướng chung trên thế giới là giảm bớt bank concentration.

Tuy nhiên vấn đề cơ bản của qui định vốn điều lệ của một ngân hàng không hẳn ở chỗ một nền kinh tế có quá nhiều hay quá ít ngân hàng, hay ngân hàng quá nhỏ. Mấu chốt của vấn đề vốn điều lệ là để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, điều mà ông Lê Đức Thúy đề cập đến trong một bài phỏng vấn với VNEconomy. Ông Thúy nói đúng, điều mà nhà quả lý, trong trường hợp VN là NHNN, quan tâm là CAR (capital adequacy ratio) phải đủ mức tối thiểu. Một hệ thống tài chính an toàn khi các ngân hàng có CAR cao, nói cách khác có đủ vốn để "chịu trận" khi bị lỗ. Nếu vốn thấp mà bị lỗ nặng, ngân hàng sẽ phá sản và vì đặc thù của loại hình kinh doanh này sẽ rất dễ kéo theo toàn hệ thống sụp đổ, liên lụy cho cả nền kinh tế.

Tuy nhiên tôi hơi ngạc nhiên khi ông Lê Đức Thúy nói Basel II, một bộ tiêu chuẩn/khuyến cáo của BIS, yêu cầu CAR bằng 15%. Thực tế Basel II yêu cầu CAR tối thiểu cho Tier1+Tier2 capital là 8% (tham khảo nguồn này của BIS). Với Tier 1 (paid-up capital + disclosed reserves) nhiều nước yêu cầu CAR tối thiểu là 4%. Các con số CAR này (theo quan điểm của Basel II) đều tính trên risk-weighted assets, nghĩa là đều lớn hơn nghịch đảo của leverage ratio (= total assets/tier 1 capital) mà nhiều banks chỉ khoảng 2%. (Update 12/5: Tôi thêm vào chữ "nghịch đảo" trong câu trên cho chính xác. Cám ơn bạn Nguyen Duong Hieu comment bên dưới).

Bỏ qua vấn đề con số cụ thể cho yêu cầu CAR tối thiểu và các cách thức hiệu chỉnh assets theo risk (risk weighted assets), điều quan trọng là CAR phụ thuộc vào 2 yếu tố: tử số là vốn điều lệ và mẫu số là tổng tài sản. Như vậy để tăng độ an toàn cho một ngân hàng hay toàn bộ hệ thống, nhà quả lý hoặc chặn không cho ngân hàng tăng assets quá cao hoặc yêu cầu ngân hàng phải tăng vốn. Việc NHNN yêu cầu các ngân hàng tăng vốn tối thiểu lên 3000 tỷ VNĐ có thể coi là một vế của kế hoạch tăng CAR cho toàn hệ thống, nhưng rõ ràng chỉ yêu cầu tăng vốn điều lệ tối thiểu là không đủ và có thể còn làm tăng rủi ro.

Thứ nhất nếu ngân hàng tăng vốn điều lệ đồng thời tăng assets thì CAR có thể không tăng. Đây là khả năng rất dễ xảy ra vì một ngân hàng khi đi huy động vốn điều lệ họ không thể nói ROE của tôi sẽ giảm, như thế không ai bỏ tiền mua cổ phiếu của ngân hàng đó. Để ROE không giảm trong khi CAR tăng, ngân hàng buộc phải tăng ROA, một điều không dễ trong hoàn cảnh hoạt động ngân hàng ở VN còn rất khó khăn như hiện nay. Liệu có ai tin một ngân hàng không mấy tên tuổi có ROA cao hơn hẳn mặt bằng chung của toàn hệ thống? Ngược lại, để thu hút nhà đầu tư trong khi hàng loạt ngân hàng đang phải cạnh tranh nhau huy động vốn, các ngân hàng nhỏ sẽ phải quảng cáo ROE cao, dividend yield cao, bằng cách âm thầm giảm bớt CAR (tăng leverage). Nghĩa là cuộc chạy đua tăng vốn điều lệ sẽ làm hệ thống ngân hàng rủi ro hơn.

Thứ hai, như đã đề cập đến trước đây, vấn đề phân loại nợ xấu và trích lập dự phòng cho các khoản nợ xấu đó của các ngân hàng còn rất xa rời thực tế. Cứ giả sử NHNN thành công trong việc tăng CAR toàn hệ thống, nhưng nếu nợ xấu vẫn được giấu kỹ ở đâu đó thì số CAR mà các ngân hàng báo cáo chỉ là số ảo, con số thực sẽ thấp hơn nhiều và rủi ro tiềm ẩn cao hơn nhiều. Tạm thời bỏ qua các khoản nợ xấu trong lịch sử, việc yêu cầu tăng vốn điều lệ sẽ dẫn đến các ngân hàng phải chạy đua tăng ROE/ROA như đã đề cập bên trên để cạnh tranh vốn. Trong trường hợp này rủi ro nợ xấu sẽ tăng lên, do vậy không giải quyết được vấn đề phân loại và theo dõi nợ xấu thì yêu cầu tăng vốn điều lệ (để tăng CAR) không giải quyết được bài toán an toàn cho hệ thống.

Thứ ba, giải pháp mà ông Thúy và NHNN có vẻ đang theo đuổi là ép buộc các ngân hàng không đủ 3000 tỷ vốn điều lệ phải sáp nhập. Về mặt số học đây là giải pháp sai lầm vì 2 ngân hàng có CAR thấp sau khi sáp nhập CAR không thể tăng dù vốn điều lệ tăng. Kể cả nếu bỏ qua CAR, liệu rủi ro hệ thống có giảm đi khi các ngân hàng nhỏ sáp nhập lại với nhau không? NHNN lập luận rằng với số ngân hàng ít đi họ sẽ giám sát chặt chẽ hơn và bản thân các ngân hàng sẽ cẩn thận hơn/điều hành tốt hơn là những ngân hàng nhỏ manh mún hiện nay. Trước hết cần xác định ngân hàng càng lớn hoạt động và sản phẩm càng phức tạp, NHNN sẽ càng khó giám sát và kiểm tra để phòng ngừa/ngăn chặn rủi ro. Ngoài vấn đề too-big-to-fail, nhiều nhà kinh tế (Krugman, Johnson) đã cảnh báo too-big-to-regulate. Nghĩa là ngân hàng lớn sẽ có nhiều cách để "lách luật", hoặc tệ hơn nữa là ảnh hưởng vào quá trình làm luật/chính sách để có lợi cho mình.

Lập luận cho rằng các ngân hàng nhỏ hiện nay thiếu chuyên môn và hoạt động quá liều lĩnh theo tôi có một phần chính xác. Tuy nhiên giải pháp M&A các ngân hàng nhỏ và/hoặc buộc tăng vốn điều lệ không giải quyết được nguyên nhân căn bản. Chuyên môn/nghiệp vụ ngân hàng không phải là điều quá khó để các ngân hàng nhỏ không thể học được (với sự giúp đỡ của NHNN). Việc vận hành những ngân hàng nhỏ có 1-2 chi nhánh đơn giản hơn nhiều một ngân hàng lớn có chi nhánh toàn quốc và cả ở nước ngoài. Việc tăng chuyên môn phụ thuộc vào đào tạo, giúp đỡ, giám sát của NHNN nhiều hơn là M&A. Các ngân hàng nhỏ sau khi sáp nhập với nhau không có nghĩa đội ngũ nhân viên và lãnh đạo tự nhiên có trình độ chuyên môn tăng lên mà kiểu gì cũng cần đào tạo lại.

Điểm cuối cùng, quan trọng nhất, là ông Thúy và NHNN chưa nhìn thấy nguyên nhân chính của việc tại sao các ngân hàng nhỏ hoạt động quá rủi ro (vd chạy đua lãi suất hay vay ngắn hạn trên thị trường liên ngân hàng để cho vay dài hạn). Đó không phải là vì họ nhỏ và thiếu chuyên môn mà là hậu quả tất yếu của việc các ngân hàng quốc doanh và một vài ngân hàng lớn (too-big-to-regulate) được hưởng nhiều ưu đãi vô tình hay cố ý nên các ngân hàng nhỏ không còn cách nào khác là phải liều lĩnh hơn để đạt được ROE như đã hứa với các cổ đông. Việc các tổng công ty đua nhau mở ngân hàng trong vài năm lại đây cũng là hệ quả của việc ROE của một vài đại gia ngân hàng quá cao, tất nhiên còn có phần do bubble giá cổ phiếu trong giai đoạn 2005-2007. Việc thông tin ngân hàng mù mờ (vụ Vietnam Credit) càng có lợi cho các đại gia và càng đẩy các ngân hàng nhỏ vốn đã liều lĩnh càng liều lĩnh hơn.

Paul Krugman có nhận xét rằng trước những năm 70-80, banking là một nghề rất boring nhưng hệ thống ngân hàng Mỹ lúc đó rất ổn định và phục vụ tốt cho nền kinh tế, không như hiện nay banking là một nghề có lợi tức cao nhưng lại có hại. Tôi không hoàn toàn đồng ý với Krugman, nhưng cũng nghĩ nếu VN có một hệ thống ngân hàng boring, lợi nhuận bằng hoặc thấp hơn các ngành khác có khi lại là điều tốt, ít nhất trong thời điểm hiện tại.

Giải pháp: các bạn đọc thêm bài của tác giả Nguyễn Hồng Hải, những đề suất trong bài này tốt hơn và trực diện hơn nhiều yêu cầu tăng vốn điều lệ hay M&A các ngân hàng nhỏ.


Update: Ngân hàng sẽ mất tư cách pháp nhân nếu không tăng được vốn lên ngưỡng tối thiểu 3000 tỷ VNĐ. Tại sao không có quy định tương tự cho các ngân hàng không có CAR tối thiểu 8%?

Update (25/5): NHNN vừa tăng CAR từ 8% lên 9%, nhưng quan trọng là CAR sẽ được tính như thế nào? Có vẻ phần mẫu số sẽ chỉ bao gồm risky assets, còn tỷ số chưa rõ sẽ bao gồm những phần nào của owner equity. Dẫu sao đây cũng là biện pháp nâng tính an toàn của hệ thống tốt hơn là yêu cầu nâng vốn điều lệ lên.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...