Thứ Tư, 12 tháng 8, 2009

Buy Vietnamese


"Obama said in a press conference he was against the controversial "Buy American" provision in his administration's $787 billion economic stimulus package, but did not oppose the measure and signed the recovery bill in February because stimulus was urgently needed to help the U.S. economy." (Nguồn: AHN).

Phong trào "buy American", nghĩa là vận động người dân Mỹ mua hàng hóa của nước mình để thể hiện lòng yêu nước, đã có từ thời Great Depression 1929-1933 và sau đó đa lan ra nhiều nước trên thế giới. Cho đến thời điểm này, đa số các nhà kinh tế đều chống lại các hình thức trade protection nói chung và những phong trào kêu gọi mua hàng hóa trong nước nói riêng như vậy. Trích dẫn bên trên cho thấy ngay cả TT Obama cũng không ủng hộ chính sách này, dù rằng không ai dám nói ông không yêu nước Mỹ.

Một trong những bài học lịch sử quan trọng nhất cho các chính sách phát triển kinh tế là tự do hóa thương mại luôn đem lại thịnh vượng cho các nền kinh tế theo đuổi chính sách này. Bài học phát triển của Japan, rồi sau đó là các con hổ châu Á, và gần đây nhất là TQ càng khẳng định qui luật này. Đó là lý do tại sao có rất nhiều nước xếp hàng gia nhập WTO chứ chưa thấy có thành viên nào xin ra khỏi tổ chức này. VN đã tốn rất nhiều công sức để được là thành viên của WTO, cho nên tôi tin rằng các nhà hoạch định chính sách VN cũng rất coi trọng tự do hóa thương mại. Vậy tại sao Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất trên thực tế của VN, lại vừa có văn bản về việc vận động người VN mua hàng VN, một chính sách có vẻ như đi ngược lại tinh thần tự do hóa thương mại?

Trước khi đi tìm lời giải thích cho câu hỏi trên, tôi xin nhắc lại rằng chính sách kêu gọi người dân mua hàng sản xuất trong nước là một biện pháp trade protection và cũng giống như những biện pháp trade protection khác nó luôn là beggar-thy-neighbour policy. Nghĩa là nếu anh làm như vậy để ngăn hàng hóa của tôi vào thị trường của anh thì tôi cũng có thể làm thế để ngăn hàng hóa của anh vào thị trường của tôi, kết quả là một lose-lose solution. Cũng như các biện pháp trade protection khác, biện pháp này sẽ làm giảm sự cạnh tranh trong thị trường nội địa, do đó giảm incentive để các doanh nghiệp trong nước cải tiến và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Một khi các doanh nghiệp không đủ sức cạnh tranh ngay trong thị trường nội địa và phải nhờ đến trade protection, làm thế nào mà họ có thể vươn ra thị trường quốc tế?

Tuy nhiên, không như nhiều biện pháp trade protection khác, kêu gọi người dân mua hàng nội là một biện pháp rất kém hiệu quả. Dù yêu nước đến mấy nhưng nếu sản phẩm trong nước vừa kém chất lượng vừa đắt, người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn mua hàng ngoại nhập, hoặc chỉ mua lấy lệ hàng nội để hưởng ứng phong trào. Bởi vậy, trên thực tế những phong trào "buy American", "buy Australian"... trong quá khứ đều chết yểu và WTO cũng không cần phải cấm biện pháp trade protection này. Bản thân TT Obama cũng thừa nhận điều khoản "buy American" trong gói kích cầu vừa rồi chẳng qua là để làm vừa lòng một vài nhà lập pháp Mỹ (senators), những người có nhu cầu phải rao giảng về lòng yêu nước, tự hào dân tộc... để kiếm phiếu cử tri, chứ ảnh hưởng thực tế vào thương mại của Mỹ không đáng kể.

Quay lại việc Bộ Chính trị kêu gọi "người VN mua hàng VN" hay "buy Vietnamese", tôi cho rằng lý do chính không phải sự từ bỏ chính sách tự do hóa thương mại mà đơn giản là một chính sách chống lại sự bành trướng bất thường của hàng hóa TQ trên thị trường VN. Kêu gọi "người VN tẩy chay hàng TQ" sẽ rất bất lợi về chính trị và ngoại giao. Trong khi đó sử dụng các biện pháp trade protection khác đối với hàng TQ vừa bị đụng với các qui định WTO, vừa nằm ngoài khả năng thực thi của các cơ quan hành chính VN. Tuy nhiên, cũng như "buy American", tôi tin rằng phong trào "buy Vietnamese" sẽ không hiệu quả. Người tiêu dùng VN, đứng trước hai lựa chọn hàng VN và hàng TQ, nếu thông tin họ có được là chất lượng hai mặt hàng như nhau trong khi hàng TQ giá rẻ hơn đáng kể thì lòng yêu nước sẽ không giúp hàng VN chiến thắng.

Tuy nhiên, như hàng loạt các bài điều tra trên báo SGTT và Tuổi trẻ cho thấy, hàng TQ tuy rẻ nhung thực ra có chất lượng kém hơn rất nhiều và đặc biệt là có nhiều đặc tính độc hại, thậm chí gây nguy hiểm cho người tiêu dùng. Nếu những thông tin này được đặt lên bàn cân cho người tiêu dùng quyết định, chắc chắn hàng VN sẽ thắng mà không cần phải viện dẫn đến lòng yêu nước. Vậy vấn đề căn bản trong cuộc chiến giữa hàng VN và hàng TQ là sự bất đối xứng thông tin chứ không phải vì người VN chưa được vận động phải yêu nước khi đi mua hàng. Như đã đề cập đến trong entry trước, vấn đề bất đối xứng thông tin này phải được xử lý qua hai cách: tăng cường quản lý về công khai hóa thông tin và nhà nước tham gia thu thập và phổ biến thông tin.

Trong khi năng lực quản lý các cơ quan hành chính VN (hải quan, kiểm dịch, quản lý thị trường...) còn yếu kém, nhà nước nên khuyến khích báo chí và các tổ chức phi chính phủ tham gia giảm thiểu bất đối xứng thông tin. Thay vì vận động mua hàng VN để chứng tỏ lòng yêu nước, Bộ Chính trị nên phát động phong trào các báo, các hiệp hội người tiêu dùng điều tra và công bố các sản phẩm độc hại hay quá date đang được các doanh nghiệp dù biết nhưng thiếu lương tâm vẫn đưa ra bán trên thị trường. Những hoạt động đánh giá và lập danh sách các thương hiệu/mặt hàng VN chất lượng cao như SGTT đã làm giúp người tiêu dùng có thêm thông tin khi ra quyết định mua sắm cần phải khuyến khích và nhân rộng. Đây mới là những chính sách thiết thực và hiệu quả.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...