Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014
Bitcoin regulation
Hôm qua chủ tịch Fed Janet Yellen trả lời chất vấn ở QH Mỹ đã nói Fed không có thẩm quyền để giám sát hoặc quản lý bitcoin. Lý do là luật Mỹ (Federal Reserve Act) giới hạn quyền của Fed chỉ được giám sát hệ thống ngân hàng trong khi bitcoin được giao dịch bên ngoài hệ thống này. Cũng trong hôm qua NHNN ra "Thông cáo báo chí về bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác" (link đến file .doc). Đọc bản thông cáo báo chí này, mặc dù có một số điểm tôi không hoàn toàn đồng ý (sẽ nói thêm bên dưới), có thể nói NHNN đã làm đúng chức năng và không vượt quá jurisdiction của mình tương tự như Yellen/Fed đã hành xử. Đây là điểm rất đáng khen của NHNN.
Một thông cáo báo chí của cơ quan quản lý nhà nước chỉ nêu ra quan điểm hoặc cung cấp số liệu, thông tin, sự kiện cho dân chúng biết, nó không phải là văn bản pháp luật liên quan đến chức năng, quyền hạn của cơ quan đó. Quan điểm của NHNN hay bất kỳ cơ quan nhà nước nào khác có thể đúng, có thể sai, báo chí và các chuyên gia có thể thảo luận, phản bác. Thậm chí những đối tượng bình thường chịu sự quản lý của NHNN (trong trường hợp này là các NHTM) có thể không thực hiện những khuyến cáo trong thông cáo báo chí cho đến khi có văn bản (dưới luật) chính thức được ban hành.
Tôi nghĩ NHNN hiểu rất rõ điều này nên đã viết "Về việc sử dụng bitcoin như là một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có ý kiến như sau:..." (tôi nhấn mạnh). Rất tiếc báo chí khi đưa tin về thông cáo này không hiểu rõ điểm này nên có những title như "Việt Nam nói không với tiền ảo" hay "Việt Nam không chấp nhận tiền Bitcoin", hoặc nhẹ nhàng hơn như "Ngân hàng Nhà nước cảnh báo tiền ảo Bitcoin không hợp pháp" hay "Ngân hàng Nhà nước cảnh báo về tiền ảo Bitcoin". Cho dù ý kiến của NHNN là bitcoin không phải là đồng tiền và phương tiện thanh toán hợp pháp ở VN, đó mới chỉ là ý kiến chứ chưa phải qui định quản lý chính thức.
Vậy tại sao NHNN mới chỉ ra thông cáo báo chí chứ chưa đưa ra văn bản quản lý chính thức (thông tư, quyết định)? Có thể vì NHNN chưa có thời gian để tìm hiểu kỹ về bitcoin, có thể họ còn muốn quan sát xem các nước khác quản lý thế nào, có thể họ nghĩ không lâu nữa bitcoin sẽ chết nên chẳng việc gì phải mất công ra văn bản. Tôi nghĩ NHNN chưa thực sự hiểu về bitcoin vì cả 4 rủi ro/tác hại mà phần đầu của bản thông cáo đưa ra đều có vấn đề.
Thứ nhất, đúng là bitcoin có tính ẩn danh cao và đã trở thành công cụ cho giới tội phạm, nhưng đó không phải là rủi ro cho người sử dụng mà là khó khăn cho cơ quan quản lý. Về mặt ẩn danh tiền mặt (cash) cao hơn bitcoin, giới tội phạm từ trước đến nay sử dụng tiền mặt không hề ít nhưng đó không phải rủi ro cho người sử dụng và cũng không vì tính ẩn danh mà phải cấm sử dụng tiền mặt. Một điểm quan trọng mà bản thông cáo báo chí này không đưa ra/phân tích là liệu bitcoin có lợi ích gì cho người sử dụng bình thường hay không. Nếu chỉ có một lượng giao dịch nhỏ bitcoin cho các hoạt động phạm pháp trong khi lợi ích cho các hoạt động hợp pháp khác lớn thì có thể benefit của hệ thống bitcoin sẽ vượt cost và nên khuyến khích sử dụng đồng tiền này.
Thứ hai, đúng là bitcoin có rủi ro sẽ bị tấn công, đánh cắp và thất thoát trên thế giới ảo, nhưng rủi ro này có thực sự "rất lớn" hay không? So với rủi ro tiền mặt bị trộm cướp, thẻ tín dụng bị làm giả, tiền gửi ngân hàng bị "Huyền Như" thì rủi ro bitcoin bị mất lớn hơn bao nhiêu lần? Rủi ro đó có đến mức làm benefit của bitcoin giảm thấp hơn cost hay không? Ngay cả nếu rủi ro đó hiện tại khá lớn nhưng sự tiến bộ công nghệ trong thời gian tới có thể giảm rủi ro đó xuống hay không? Mt.Gox đóng cửa không khác gì một ngân hàng phá sản. Nếu có một hệ thống deposit insurance cho bitcoin thì tác động của một vụ đóng cửa như vậy sẽ được giảm thiểu.
Thứ ba, giá trị của bitcoin biến động mạnh và phức tạp đúng là rủi ro cho nhà đầu tư, nhưng bất kỳ loại hình đầu tư nào cũng có rủi ro, nhà đầu tư chấp nhận rủi ro thì họ tham gia. Đầu tư vào cổ phiếu ở VN cũng đầy rủi ro nhưng như vậy không có nghĩa nhà đầu tư không nên tham gia. Vấn đề là họ có hiểu rõ rủi ro đó hay không, điều này liên quan đến transparency/disclosure, và thị trường có công cụ để hedge rủi ro nếu họ cần tránh hay không. Bitcoin mới ra đời chưa lâu và còn trong giai đoạn định hình, có thể nó sẽ chết trong tương lai nhưng cũng có thể nó sẽ ổn định và phát triển thành một công cụ thanh toán có uy tín. Lúc đó có thể rủi ro của bitcoin sẽ không khác mấy rủi ro của một đồng tiền chính thức.
Thứ tư, đúng ra bitcoin "chưa" bị chi phối và kiểm soát bởi các cơ quan quản lý nhà nước và quốc tế, nhưng không có nghĩa là không bao giờ. Ngay cả hiện tại chưa có ai quản lý bitcoin, các giao dịch sử dụng bitcoin, và các dịch vụ liên quan đến nó, điều đó không có nghĩa người sở hữu bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi. Tôi không rõ NHNN có văn bản nào thừa nhận việc thanh toán qua Paypal hay không nhưng các bên giao dịch bằng Paypal trên lãnh thổ VN hoàn toàn có quyền kiện nhau ra tòa kinh tế nếu có tranh chấp. Quyền lợi của họ được bảo hộ bằng các bộ luật kinh tế/dân sự khác. Việc bộ Tư pháp Nhật và Mỹ điều tra Mt.Gox là bằng chứng cho thấy cơ quan bảo vệ pháp luật vẫn có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng cho dù bitcoin chưa được Fed hay BoJ quản lý.
Ở đây tôi xin nói rõ thêm một điểm về tính hợp pháp của một đồng tiền và tính hợp pháp của phương tiện thanh toán. Mỗi quốc gia chỉ có duy nhất một đồng tiền hợp pháp (legal tender), trừ một số trường hợp đặc biệt. Tính hợp pháp của đồng tiền quốc gia nằm ở chỗ nó phải được chấp nhận bắt buộc là phương tiện thanh toán cho các giao dịch kinh tế, nghĩa là nếu bạn mua hàng và trả bằng VND thì người bán trên lãnh thổ VN không có quyền từ chối nhận thanh toán bằng đồng tiền đó. Lưu ý rằng tính hợp pháp của đồng tiền không phải là điều kiện để giao dịch kinh tế được pháp luật bảo hộ. Một giao dịch bất hợp pháp bằng đồng tiền quốc gia vẫn có thể bị tòa không công nhận, ví dụ mua bán nội tạng không được công nhận ở hầu hết các nước trên thế giới và tòa sẽ không xử những vụ tranh chấp liên quan đến hợp đồng mua bán nội tạng trừ khi có dấu hiệu hình sự.
Tính hợp pháp của một đồng tiền đồng nghĩa với nó là phương tiện thanh toán hợp pháp. Nhưng một quốc gia có thể có nhiều phương tiện thanh toán hợp pháp khác ngoài đồng tiền chính thức của quốc gia đó. Ví dụ có thể sử dụng ngoại tệ, vàng làm phương tiện thanh toán, hay có thể sử dụng hàng hóa và dịch vụ cho mục đích thanh toán (hàng đổi hàng). Trên thực tế bank credit có thể coi là một loại tiền tệ bán chính thức đồng thời là phương tiện thanh toán hợp pháp ở tất cả các nước. Khi bạn sử dụng credit card thanh toán cho một món hàng, ngân hàng tạo ra một phương tiện thanh toán hợp pháp cho bạn, nhưng đó không phải là đồng tiền hợp pháp. Người bán có quyền từ chối không nhận thanh toán bằng credit card hoặc không chấp nhận một số loại card và họ không hề phạm pháp.
Với đồng bitcoin hiển nhiên nó không là đồng tiền hợp pháp ở bất kỳ quốc gia nào vì nó không được một chính phủ nào tạo ra. Điều này không cần central bank đứng ra tuyên bố. Với nhiều nước ngay cả tính hợp pháp của phương tiện thanh toán cũng không nằm trong thẩm quyển của central bank, như trường hợp US Federal Reserve System tôi đã trích dẫn bên trên. Chỉ khi nào ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác sử dụng đồng tiền này làm phương tiện thanh toán thì Fed mới có quyền can thiệp. Bên ngoài hệ thống ngân hàng bitcoin được coi như một loại tài sản bình thường và được tồn tại cho đến khi có luật cấm cụ thể (nếu có). Hầu hết các quốc gia đã tuyên bố quan điểm về bitcoin được liệt kê trong entry này của Wikipedia đều không cấm việc sở hữu, trao đổi bitcoin như một phương tiện thanh toán cá nhân, họ chỉ cảnh báo rủi ro cho người sử dụng tương tự như trong thông cáo báo chí của NHNN VN. Trường hợp duy nhất có văn bản cấm chính thức là PBoC (TQ) không cho phép các ngân hàng thanh toán bằng bitcoin. Nếu NHNN ra thông tư cấm các tổ chức tín dụng không được sử dụng bitcoin như đã tuyên bố trong thông cáo báo chí thì VN sẽ là nước thứ hai chính thức cấm. Thailand có một giai đoạn cấm nhưng đã bỏ lệnh này.
Tóm lại việc NHNN ra thông cáo báo chí nêu rõ quan điểm của mình về bitcoin và cảnh báo các rủi ro cho nhà đầu tư là một việc làm đúng đắn, cẩn trọng. Cá nhân tôi khuyến cáo NHNN chưa nên ra văn bản chính thức cấm hay cho phép giao dịch bitcoin trong hệ thống ngân hàng. Cần chờ thêm một thời gian nữa theo dõi sự phát triển của thị trường này và các chính sách regulation của các nước khác. Gần đây Nhật đã kêu gọi hợp tác quốc tế về việc quản lý bitcoin, bang New York của Mỹ cũng đang soạn thảo một số qui chế kiểm soát các tổ chức có hoạt động liên quan đến bitcoin. Trước mắt NHNN nên tìm cách thu thập số liệu về các hoạt động liên quan đến bitcoin trên lãnh thổ VN, tư vấn cho các cơ quan tư pháp và QH về các vấn đề hay tranh chấp liên quan đến đồng tiền này. Tôi hi vọng đến một ngày nào đó bitcoin hoặc một cryptocurrency khác sẽ trở thành một phương tiện thanh toán hợp pháp và phổ biến ở VN và trên thế giới.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
NEER/REER Update
Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...
-
Cuối tuần trước Jenner & Block, công ty luật được tòa xử vụ phá sản Lehman Brothers năm 2008 chỉ định khám định sổ sách của công ty này,...
-
Mỗi khi đọc được cái gì đó hay ho và muốn viết lại trên blog nhưng chưa có thời gian, tôi thường mở một tab mới trên Google Chrome như một h...
-
Bác Lai Tran Mai nhờ tôi giới thiệu với các bạn loạt bài giảng của bác ấy về các quan hệ vĩ mô của một nền kinh tế, cám ơn bác. Tôi đã tạo m...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét