Xét trên khía cạnh kinh tế học tôi ủng hộ việc hợp pháp hóa các dạng đánh bạc (gambling) nói chung cũng như sòng bài (casino) nói riêng. Nên nhớ xổ số cũng là một dạng đánh bạc và nó đã được hợp pháp hóa hàng chục năm nay. Nhưng lý do ủng hộ của tôi không phải vì lo ngại người Việt ra nước ngoài đánh bạc sẽ làm chảy máu ngoại tệ, để phát triển du lịch, hay tạo thêm nguồn thu cho chính quyền. Lượng ngoại tệ chảy ra nước ngoài vì bài bạc chắc không quá lớn, hơn nữa không có gì đảm bảo nếu casino được phép hoạt động công khai ở VN thì những người hiện đang bay ra nước ngoài đánh bạc sẽ chuyển sang đốt tiền của họ ở các sòng bạc trong nước. Nếu coi việc ra nước ngoài đánh bạc là một dạng nhập khẩu dịch vụ ngoại đắt tiền như nhập những loại hàng hóa ngoại cao cấp khác (xe Rolls-Royce, túi Louis-Vuitton) thì giải pháp điều chỉnh hành vi này phải là điều chỉnh tỷ giá.
Lý do để phát triển du lịch cũng khá mơ hồ. Du lịch VN không phát triển được không phải vì VN không có casino mà vì chất lượng dịch vụ du lịch quá tệ. Mở một vài casino có thể sẽ thu hút được một số khách du lịch nước ngoài vào đánh bạc nhưng lấy gì đảm bảo những casino đó sẽ cạnh tranh lâu dài được với Macao, Singapore, Malaysia hay thậm chí TQ, Philippines. Cũng giống như ước mơ xây dựng một sân bay quốc tế hay một trung tâm tài chính lớn, kế hoạch biến VN thành một trung tâm du lịch cờ bạc của châu Á không hề đơn giản. Ngay cả nếu cho phép mở casino là chiếc đũa thần cho ngành du lịch, liệu VN có sẵn sàng tự do hóa mại dâm hay hợp pháp hóa ma túy nếu đó là những chiếc đũa thần khác trong tương lai? Cứu cánh không biện minh cho phương tiện.
Cho phép mở casino để tăng thu ngân sách có lẽ là lý do quan trọng và hiện thực nhất với các nhà làm chính sách. Ở đây tạm bỏ qua những lo ngại về việc liệu nguồn thu có được sử dụng hiệu quả không hay vấn đề cứu cánh-phương tiện đã nói ở trên, một điều cần cân nhắc là liệu chi phí xã hội của việc mở casino có lớn hơn số tiền ngân sách thu vào hay không? Một nghiên cứu của Earl Grinols cho biết bài bạc và casino ở Mỹ gây ra chi phí xã hội 289 đô la cho mỗi 46 đô la mà nền kinh tế nhận được. Một nghiên cứu khác của Úc tuy không có kết luận rõ ràng nhưng cảnh báo hiệu quả kinh tế của bài bạc và casino rất thấp, trong phương án xấu có thể gây tổn hại cho xã hội 1.2 tỷ đô la Úc một năm. Bởi vậy nếu chỉ nhìn vào tiền bán đất và tiền thuế hàng năm từ các casino thì đánh giá hiệu quả kinh tế sẽ phiến diện.
Vậy tại sao tôi vẫn ủng hộ hợp pháp hóa các dạng bài bạc và casino bất chấp các phản bác bên trên? Với nhiều nhà kinh tế cấm đoán một sản phẩm hay loại hình kinh doanh nào đó vừa không nên vừa không hiệu quả. Không nên vì việc cấm đoán hạn chế quyền tự do của những công dân đã đến tuổi trưởng thành có thể tự chịu trách nhiệm về hành vi và quyết định của mình. Cấm đoán chỉ được sử dụng trong những trường hợp hãn hữu khi tác hại trực tiếp của một loại sản phẩm, kinh doanh lên những thành viên khác trong xã hội được xác định rõ ràng về mặt kinh tế hay tự do cá nhân. Ví dụ nên cấm sản xuất kinh doanh những thiết bị cho phép bất kỳ ai có thể dễ dàng nghe lén người khác. Bài bạc dù có kéo theo nhiều tệ nạn nhưng không nằm trong phạm trù này để bị cấm.
Cấm đoán thường không hiệu quả trừ khi chính quyền sử dụng một lực lượng lớn nhân viên công vụ thực thi việc chế tài và những người được giao nhiệm vụ thực thi này phải liêm khiết và công tâm. Việc người dân vẫn đánh bạc, đánh đề chui, ra nước ngoài chơi casino, hoặc cá độ bóng đá trên mạng cho thấy chính sách cấm bài bạc của VN đã và đang không hiệu quả. Cho phép công khai bài bạc và casino sẽ giúp chính quyền dễ quản lý hơn, thông qua thuế khóa, các qui định, hệ thống giấy phép. Chưa kể cho phép công khai sẽ giúp bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, ngay cả với những con bạc nghiện ngập cũng sẽ dễ được đưa vào diện theo dõi và có trợ giúp kịp thời hơn. Nhưng tất nhiên một khi sử dụng các biện pháp quản lý nhà nước vẫn cần phải có những cán bộ trong sạch và có nghiệp vụ. Xây dựng một đội ngũ nhân lực như vậy quan trọng hơn nhiều việc cân đông đo đếm lợi ích và thiệt hại của bài bạc hay casino.
[Note: Một version của bài này đã được gửi đăng trên báo Người Đô Thị.]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét