Thứ Tư, 9 tháng 5, 2012

PMI


Các độc giả "già" nhất của kinhtetaichinh chắc còn nhớ trước đây tôi thường tổng kết số liệu PMI vào mỗi đầu tháng. Đó là giai đoạn sếp tôi giao nhiệm vụ phải theo dõi chặt chẽ chỉ số này để dự báo khi nào cuộc khủng hoảng chấm dứt. Lúc đó PMI của các nước khá rải rác trên nhiều nguồn khác nhau nên tôi dùng luôn blog làm notebook để tiện theo dõi và tranh thủ share với những độc giả quan tâm. Bây giờ số liệu PMI đã dễ kiếm hơn và tôi đã được chuyển sang làm nhiệm vụ khác(*) nên không còn cập nhật trên blog nữa.

PMI - Purchasing Managers's Index - là chỉ số tóm tắt kết quả một cuộc khảo sát doanh nghiệp hàng tháng do Institute of Supply Management của Mỹ tiến hành từ năm 1948. Cuộc khảo sát này đưa ra một số câu hỏi cho purchasing managers của các doanh nghiệp trong mẫu (sample) về tình hình sản xuất kinh doanh của họ trong tháng. Các câu hỏi được thiết kế rất đơn giản chỉ yêu cầu người trả lời chọn một trong ba phương án: tốt hơn, không thay đổi, kém hơn. Kết quả của từng câu hỏi sẽ được tổng kết thành một subindex trong PMI theo công thức là tổng của số phần trăm trả lời tốt hơn cộng với 1/2 số phần trăm trả lời không đổi. Như vậy nếu chỉ số bằng 50 điểm thì hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến câu hỏi đó không đổi so với tháng trước, trên 50 là tốt hơn còn dưới 50 là tệ đi. Một số subindex quan trọng là new orders, output, employment, inventories, input & output price. Các subindex sẽ được tính trung bình trọng số để tạo thành PMI toàn phần.

Hình thức chỉ số như vậy gọi là diffusion index có ưu điểm tránh được sự mơ hồ cho người trả lời nhưng vẫn có tính định lượng rõ ràng. Thêm vào đó, cách thức xây dựng làm cho chỉ số PMI dao động xung quanh mức trung tính 50 điểm mà không cần bất kỳ sự hiệu chỉnh nào, rất phù hợp cho các mô hình kinh tế lượng. Hiện tại chỉ số PMI của Mỹ được xếp ngang hàng với chỉ số NFP (Non-Farm Payroll) về việc làm về mức độ quan trọng và ảnh hưởng vào giá chứng khoán cũng như các hoạt động tài chính khác. PMI của các nước phát triển khác cũng vậy, luôn được giới tài chính và các nhà hoặch định chính sách theo dõi sát sao, là một dữ kiện đầu vào quan trọng cho các quyết định của họ. Trong thời gian gần đây PMI của các nước BRIC, đặc biệt của TQ, càng ngày càng có ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ và nguyên liệu thô (commodity) quốc tế.

Hầu như toàn bộ các PMI phát triển sau này đều do Markit Economics quản lý và giữ bản quyền. Công ty này phối hợp với một số tổ chức lớn khảo sát và chuẩn hóa chỉ số PMI của các nước cho hai khu vực kinh tế quan trọng là công nghiệp sản xuất (manufacturing) và dịch vụ (service). Ở những nước phát triển chỉ số PMI cho một tháng được công bố tạm thời vào tuần cuối cùng trong tháng, gọi là flash PMI. Sau khi Markit thu thập đủ số liệu và có những hiệu chỉnh cần thiết, chỉ số PMI cuối cùng sẽ được công bố vào đầu tháng sau. Một đối tác lớn của Markit là ngân hàng HSBC, trong thời gian gần đây đã tiến hành khảo sát và xây dựng PMI cho nhiều nước đang phát triển trong đó có VN.

Hiện tại chỉ số PMI của VN chỉ được xây dựng cho khu vực công nghiệp sản xuất và chỉ công bố một lần (final PMI). Chỉ số này được thu thập từ tháng 4/2011 và chính thức ra mắt ngày 8/5/2012. Vì thời gian thu thập dữ liệu chưa nhiều nên kỹ thuật hiệu chỉnh mùa vụ của PMI VN có thể chưa chuẩn xác. Tuy nhiên đây sẽ là một chỉ số kinh tế rất quan trọng mà bất kỳ nhà kinh tế nào của VN cũng nên biết và theo dõi. Dưới đây các subindex trong PMI của VN do HSBC-Markit khảo sát:

- Output:
- New orders:
- Export new orders:
- Backlogs:
- Stock of Finished Goods
- Employment
- Input price
- Output price
- Suppliers' delivery times
- Quantity of purchases
- Stock of purchases


Cám ơn HSBC và Markit đã đưa VN vào câu lạc bộ những nước có chỉ số PMI. Tôi đã từng trao đổi với một số bạn bè, người quen trong nước về việc thu thập và xây dựng các chỉ số kinh tế độc lập, rất tiếc chưa có tổ chức nào thực sự quan tâm. Hi vọng sự xuất hiện của PMI sẽ là một cú hích cho các chỉ số kinh tế tài chính khác do các tổ chức tư nhân independent với nhà nước thực hiện.



[Ngoài lề: (*) Hồi Espana 82 truyền hình các trận bóng đá ở SG thỉnh thoảng bị mất sóng và có một anh bình luận viên rất "sáng tạo" nói "vệ tinh Liên xô phải đi làm nhiệm vụ khác nên không tiếp sóng bóng đá được nữa". Bao năm rồi nhưng cứ mỗi khi nói "làm nhiệm vụ khác" là tôi lại nhớ đến lời bình luận ngộ nghĩnh này :-)]


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...