Chủ Nhật, 22 tháng 3, 2009

Rollover


Rollover một khoản nợ là việc vay một khoản nợ mới để trả cho nợ cũ đã đến hạn hoặc chưa đến hạn nhưng người vay muốn rút ra khỏi hợp đồng vay cũ. Tôi vẫn nghĩ rollover tiếng Việt dịch là "đảo nợ" và là một việc bình thường và hợp pháp. Tuy nhiên khi đọc bài "Ứng xử thế nào với hành vi đảo nợ" trên VnEconomy tôi phát hiện ra rằng ở VN "luật tín dụng nghiêm cấm hành vi đảo nợ."

Tôi cho rằng hợp đồng vay giữa ngân hàng và khách hàng là một hợp đồng dân sự (kinh tế), vậy khi người đi vay "đảo nợ" bằng một hình thức nào đó thì đó chỉ là một hành vi dân sự. Nếu ngân hàng cho vay không bằng lòng với hành vi đảo nợ này thì họ có thể kiện khách hàng ra tòa dân sự, chẳng có lý do gì luật tín dụng lại cấm đoán hành vi này (hình sự hóa). Theo tôi, nhiều khả năng tác giả bài viết đã nhầm lẫn giữa luật tín dụng và các quyết định, thông tư liên quan đến việc hỗ trợ 4% lãi suất của chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này cấm đảo nợ cũng không hợp lý về mặt kinh tế.

Thứ nhất, nếu các doanh nghiệp có thể đảo các khoản nợ cũ có lãi suất cao bằng các khoản nợ mới qua chương trình hỗ trợ lãi suất của chính phủ, đây sẽ là một sự trợ giúp khá hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ngay cả nếu doanh nghiệp không gặp khó khăn cần được trợ giúp, việc giảm chi phí cho các khoản vay sẽ làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp đó, do vậy sẽ làm tăng đầu tư từ số tiền lợi nhuận, hoặc tăng chi trả lương và phúc lợi cho công nhân, hoặc tăng chi trả cổ tức cho các cổ đông. Đằng nào thì số tiền tăng thêm này sẽ góp phần vào làm tăng tổng cầu, đúng với mục đích của chính phủ.

Thứ hai, nếu cấm đảo nợ, ngoài những hậu quả mà bài báo của VnEconomy nói trên đã nêu ra, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ chẳng mặn mà gì với việc vay thêm từ ngân hàng nếu họ vẫn còn những khoản vay khác với lãi suất cao. Trong thời điểm suy thoái hiện tại, sẽ có rất ít doanh nghiệp muốn triển khai một dự án hoàn toàn mới, dù có thể lãi suất vay ngân hàng rất thấp. Một khi họ vẫn còn những dự án cũ, nhiều khả năng họ đang phải tìm cách giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp vì những dự án cũ có thể đang rất bấp bênh. Do vậy họ sẽ khó có thể tăng thêm rủi ro qua các dự án mới dù đã được hỗ trợ lãi suất. Với tổng thể nền kinh tế, việc giảm bớt đầu tư mới trong giai đoạn này cũng rất hợp lý, tránh tăng thêm supply (excess capacity) khi demand cả trong và ngoài nước đang giảm mạnh.

Tôi thấy chương trình hỗ trợ lãi suất có nhiều điểm không hợp lý, và qui định cấm đảo nợ này cũng vậy. Nhưng công bằng mà nói, nếu không cấm đảo nợ có thể chương trình này sẽ bị phình ra qua to, bản thân ngân sách không cáng đáng được. Tôi cho rằng ý tưởng chỉ hỗ trợ lãi suất là một cách leverage tiền kích cầu của chính phủ. Tuy nhiên tôi nghi ngờ tính hiệu quả của chính sách này, đặc biệt là mục tiêu trực tiếp của nó dường như nhắm vào phía cung chứ không phải phía cầu.

Theo tôi nếu chính phủ muốn "kích cung" thông qua lãi suất thấp thì có thể tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống. Nếu chính phủ lo ngại tác động của lãi suất cơ bản không đủ mạnh hoặc NHNN không đủ sức áp đặt lãi suất thấp hơn thì có thể học tập kinh nghiệm của Fed sử dụng TALF mua trực tiếp các loại trái phiếu thương mại khác. Tiếp tục giảm lãi suất và phá giá từ từ VND có lẽ là một lựa chọn hợp lý hơn hỗ trợ lãi suất bằng tiền từ ngân sách.

Update (07/05): Còn đây là chuyện "đảo nợ" ở Mỹ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...