Thứ Ba, 31 tháng 3, 2015

Personal Finance



Một gia đình trung lưu/khá giả (upper middle class) ở các nước phát triển thường sử dụng bốn dịch vụ có tính chất cá nhân sau: bác sĩ gia đình, luật sư riêng, kế toán cá nhân, và tư vấn tài chính cá nhân (personal financial planner). Về cơ bản personal financial planner là người tư vấn cho khách hàng cá nhân cách thức đầu tư dài hạn để giữ tài sản an toàn và hiệu quả. An toàn nghĩa là giảm thiểu rủi ro mất mát hoặc bị tranh chấp/kiện tụng. Hiệu quả là có lợi tức (sau thuế) và cash-flow tối ưu phù hợp với hoàn cảnh của từng khách hàng. Trước đây tôi đã từng đề cập đến dịch vụ này ở đây, trong đó tôi nhấn mạnh financial planning là cho đầu tư cá nhân dài hạn chứ không phải tư vấn giúp đầu cơ hay lướt sóng kiếm lời ngắn hạn.

Việc lên kế hoạch tài chính dài hạn cho cuộc đời là một điều rất quan trọng và cần thiết với đa số chúng ta, nhất là khi truyền thống về già sống dựa vào con cháu đang ngày càng mai một còn hệ thống BHXH/sổ hưu rất mong manh. Trong khi đợi VN có các financial planner chuyên nghiệp, bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn một số nguyên tắc căn bản của personal financial planning. Tất nhiên các thông tin ở đây chỉ để tham khảo, nếu bạn định áp dụng điều gì cho bản thân thì cần cân nhắc kỹ hoàn cảnh (tài chính) cá nhân của mình.


1. Saving: Nguyên tắc đầu tiên của financial planning là đừng vung tay quá trán, hãy lên kế hoạch tiết kiệm ngay khi có những đồng thu nhập đầu tiên. Chắc ai cũng biết sức mạnh của compounding effect (lãi suất kép, hay nôm na là lãi mẹ đẻ lãi con) nên dù không có kiến thức gì về tài chính chỉ cần đều đặn tiết kiệm thì sau một thời gian dài bạn sẽ có một khoản tiền đáng kể. Tất nhiên ở những nơi có lạm phát cao như VN và/hoặc property right không được đảm bảo (vd có thể bị đổi tiền như những năm 80) thì gửi tiết kiệm tiền mặt có thể không phải là giải pháp tốt. Nhưng để có thể đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào bạn cũng cần có một khoản tiền tiết kiệm ban đầu, trừ trường hợp gia đình bạn có sẵn tiền hay bạn may mắn trúng số. Nhiều quốc gia bắt buộc người dân phải tiết kiệm một mức tối thiểu từ thu nhập như hệ thống provident fund của Singapore/Malaysia, hay superannuation của Úc (pension fund theo nguyên tắc defined contribution). Tiết kiệm càng sớm và càng đều đặn càng tốt.

Với financial planning, nguyên tắc tiết kiệm không chỉ có vậy. Một financial planner có thể sẽ khuyên bạn hai điểm nữa liên quan đến nguyên tắc này. Thứ nhất hãy tập trung thời gian làm công việc mà mình có thể kiếm được nhiều tiền nhất, sau đó trích một phần thu nhập cho saving để compounding effect giúp cho tài sản của mình tăng lên. Trừ những trường hợp ngoại lệ của một số "siêu nhân" làm gì cũng giỏi, đa số chúng ta chỉ có thể làm tốt một chuyên môn của mình. Do đó một bác sĩ nên tập trung thời gian cho việc khám chữa bệnh và nâng cao kiến thức/tay nghề, chứ đừng quá tốn thời gian/công sức vào việc đầu tư cổ phiếu hay những hình thức kiếm tiền tay ngang khác như bán hàng trên mạng. Rất có thể bạn sẽ tiền mất tật mang, thu nhập chính của mình giảm sút vì bị chi phối và phân tâm vào những việc không phải chuyên môn đó.

Thứ hai (chủ yếu dành cho giới professional cao cấp có thu nhập tương đối cao), không những không nên sao lãng chuyên môn chính cho việc kiếm tiền tay ngang, bạn thậm chí còn nên trả tiền để không phải làm những công việc trong nhà hòng có thêm thời gian cho chuyên môn. Một số ví dụ như thuê tài xế riêng, thuê giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa, hay thậm chí thuê người nấu ăn cho mình (personal cook). Điều này thoạt nhìn có vẻ trái với nguyên tắc tiết kiệm, nhưng nếu nó giúp bạn tăng nguồn thu nhập chính vì có thêm thời gian nghỉ ngơi phục hồi và tăng cường sức khoẻ, học hành nâng cao chuyên môn, mở rộng quan hệ xã hội và chuyên ngành, thì về tổng thể tài sản của bạn có thể sẽ tăng nhanh hơn là cứ căn cơ tiết kiệm. Tất nhiên điều này không/chưa áp dụng với nhiều người, nhưng bạn cần nhớ tiết kiệm khác với hà tiện. Nếu cần phải chi điều gì để tăng thu nhập (hiện tại và tương lai) thì bạn nên chi, thời gian là tiền bạc và cái giá của thời gian (opportunity cost) chính là mức thu nhập của bạn.


2. Diversification: Nguyên tắc thứ hai này tưởng như quá đơn giản và hiển nhiên, tuy nhiên một financial planner giỏi không đơn thuần khuyên bạn không được bỏ hết trứng vào một rọ. Trên thực tế nếu bạn là một kỹ sư tin học mới ra trường đang ấp ủ một ý tưởng startup, financial planner có thể sẽ khuyên bạn bỏ hết tất cả tiền bạn có, thậm chí đi vay thêm người thân và bạn bè để đầu tư vào cái startup đầy rủi ro của bạn. Lý do là khi bạn còn rất trẻ khả năng chịu đựng rủi ro (risk taking ability) của bạn rất cao nên có thể mạo hiểm đầu tư vào những dự án đầy rủi ro như vậy. Tôi sẽ viết kỹ hơn về khả năng risk taking bên dưới, ở đây tôi chỉ nhấn mạnh vào điểm diversification không chỉ có nghĩa phải đầu tư dàn trải ra nhiều loại tài sản (assets) mà còn bao gồm dàn trải trong cuộc đời (lifetime) của bạn.

Về asset diversification chắc các bạn đều biết nên đầu tư vào nhiều loại chứng khoán khác nhau, ở các thị trường khác nhau (bằng các đồng tiền khác nhau), đầu tư vào bất động sản và các loại tài sản vật lý khác. Một vấn đề thực tiễn mà lý thuyết tài chính ít nhắc đến là chi phí giao dịch (transaction costs) phải được tính đến khi quyết định mua bao nhiêu loại assets. Trừ khi bạn có một số tài sản lớn, còn đa số trường hợp cách diversification hiệu quả nhất là mua chứng chỉ quĩ (mutual fund, ETF, REIT) nếu thị trường cho phép. Còn ở những nơi chưa có khả năng này như VN, một số nghiên cứu cho rằng đầu tư vào khoảng 10-20 cổ phiếu bluechip là đã tương đương với 60-80% diversification của cả thị trường. Cho nên nếu số tiền đầu tư của bạn còn ít, chưa nhất thiết phải dàn trải ra nhiều loại chứng khoán/tài sản, hãy cố gắng đừng để transaction costs vượt quá 1-2% số tiền đầu tư. Nhưng nhớ cân nhắc khi đầu tư lần tiếp theo khi bạn có thêm tiền, đừng vì cổ phiếu/tài sản lần trước mình mua đã "thắng đậm" mà lại tiếp tục dồn tiền vào đó.

Tất nhiên nếu bạn đầu tư nhiều lần khác nhau trong cuộc đời điều đó cũng tương đương với lifetime diversification. Chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường có thể biến động rất mạnh cho nên diversification về mặt thời gian sẽ giảm bớt ảnh hưởng của rủi ro mua nhầm thời điểm mà không cần dự báo hay mô hình/kỹ thuật phức tạp gì cả. Cứ lên mục tiêu hàng tháng tiết kiệm một khoản tiền nhỏ cho vào tài khoản, sau 1-2 năm lấy ra đi đầu tư, đừng quá quan tâm đến tình hình thị trường lúc đó (không cần nghe các "chuyên gia" dự báo thị trường đã xuống đáy hay chưa). Cứ đầu tư liên tục và đều đặn để tận dụng compounding effect, đừng cố rình rập thị trường vì đa số các trường hợp bạn sẽ thất bại.


(còn tiếp)

Note: Phần tiếp theo của bài viết này sẽ chỉ dành cho các bạn có đăng ký membership và trả phí hàng tháng. Chi tiết về cách thức đăng ký và mức phí có thể xem ở đây



Thứ Năm, 5 tháng 3, 2015

Tet & GDP



Cách đây hai năm GS Võ Tòng Xuân đề xuất chuyển kỳ nghỉ đón Tết cổ truyền lùi về theo dương lịch tương tự như Nhật đã làm năm 1873 dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng. Lập luận chính của ông và những người ủng hộ đề xuất này chủ yếu từ khía cạnh kinh tế, Tết ta lệch với Tết tây có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập của dân chúng và doanh nghiệp. Gần đây ý kiến này lại được hâm nóng với một số chuyên gia cho rằng nghỉ Tết ta có thể làm GDP giảm từ 2 đến 5%. Tuy nhiên những con số này mới chỉ là ước lượng sơ khởi, rất cần một đánh giá có tính học thuật cao hơn để người dân và các nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận và cân nhắc đề xuất của GS Xuân một cách thấu đáo. Bài viết này sẽ đưa ra một số phân tích định lượng về tác động của của Tết ta vào GDP như một đóng góp nhỏ cho nỗ lực của GS Võ Tòng Xuân.

Trước hết có thể nói phần đông, kể cả một số người phản đối ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân, đồng ý rằng Tết ta có ảnh hưởng tiêu cực đến GDP. Tác động của Tết thông qua một số kênh như số ngày nghỉ kéo dài, năng suất lao động sụt giảm trước và sau Tết do bận bựu chuẩn bị và dư âm của những ngày Tết. Câu nói cửa miệng "Để ra Tết rồi tính" phản ánh một thực trạng là kỳ nghỉ Tết truyền thống làm gián đoạn nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Sự lệch pha giữa kỳ nghỉ năm mới của Việt Nam so với thế giới cũng có tác động tiêu cực khi nền kinh tế ngày càng hội nhập. Về phương diện vĩ mô việc gia tăng tiêu dùng rất lớn trong dịp Tết luôn tạo sức ép lên mặt bằng giá cả, gây khó khăn cho những chính sách ổn định kinh tế. Dù khó đánh giá chính xác nhưng nhiều khả năng thói quen "ăn Tết" lớn của người Việt cũng làm giảm tổng tiết kiệm của toàn xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư và cán cân thanh toán.

Một khía cạnh vĩ mô khác ít người để ý là mức độ sử dụng (capacity utilitzation) của nền kinh tế giảm thấp hơn nhiều công suất tiềm năng trong giai đoạn Tết gây ra một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Có thể thấy điều này khá rõ qua số liệu thống kê GDP theo quí của Việt Nam. Trong vòng 10 năm lại đây (Q1 2005 - Q4 2014) GDP(*) trung bình của Q1, quí có Tết, chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm (so với 25% nếu GDP được dàn đều trong 4 quí). So sánh với GDP Q4 ngay trước đó, trung bình trong 10 năm qua GDP Q1 giảm hơn 30%. Sự sụt giảm rất lớn này có thể còn do những yếu tố khác, nhưng chắc chắn Tết có phần đóng góp quan trọng. Điều này có thể kiểm chứng được bằng cách so sánh GDP của Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có truyền thống ăn Tết âm lịch, với Thailand và Indonesia. Giống Việt Nam GDP Q1 của Trung Quốc giảm trung bình 24% so với Q4 trong khi con số này ở Thailand là tăng 1.1% còn Indonesia cũng tăng 0.2%.

Công bằng mà nói GDP Q1 hàng năm giảm không chỉ vì Tết, những yếu tố mùa vụ khác như thời tiết, tập quán canh tác hay thương mại quốc tế cũng có thể có tác động tiêu cực trong giai đoạn này. Tuy nhiên phân tích GDP theo quí cho một số phân ngành sản xuất ít phụ thuộc vào thời tiết hay đặc thù canh tác như công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, y tế, giáo dục cũng cho thấy một bức tranh tương tự, những hoạt động kinh tế đó đồng loạt giảm mạnh trong khoảng thời gian có Tết. Đặc biệt giải ngân cho đầu tư công, một hoạt động hoàn toàn có tính chủ động và nội tại, giảm hơn 50% trong Q1. Có thể thấy dấu ấn của Tết khá rõ trong hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.

Vậy nếu Việt Nam chuyển việc "ăn Tết" theo dương lịch như GS Võ Tòng Xuân đề xuất liệu có giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh hơn không? Trả lời câu hỏi này không hề dễ, lịch sử kinh tế thế giới chỉ duy nhất một lần ở Nhật có sự kiện này mà số liệu lúc đó không đủ để có thể phân tích và đánh giá. Do vậy bất kỳ nghiên cứu nào cũng phải sử dụng phương pháp mô phỏng cho sự kiện bỏ Tết với rất nhiều giả định. Trên nguyên tắc các nhà kinh tế có thể lập mô hình mô phỏng sự kiện này, nhưng chắc chắn những mô hình như vậy sẽ vô cùng phức tạp và khó có thể khẳng định được độ chính xác. Ở đây tôi xin đề xuất một phương pháp đơn giản hơn, tuy không trả lời được trực tiếp câu hỏi bỏ Tết sẽ làm tăng GDP bao nhiều phần trăm nhưng lượng hóa được phần nào ảnh hưởng của Tết trong GDP Q1.

Với số liệu thống kê tháng hay quí các nhà kinh tế thường áp dụng một số kỹ thuật hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ (seasonal adjustment) để số liệu phản ánh chính xác hơn tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. Đáng tiếc là cho đến thời điểm này Tổng cục Thống kê Việt Nam chưa thực hiện việc hiệu chỉnh cho hầu hết số liệu kinh tế xã hội mà cơ quan này công bố định kỳ hàng tháng hay hàng quí. Số liệu GDP mà tôi trích dẫn trên đây cũng vậy, Q1 hàng năm - khoảng thời gian luôn có Tết âm lịch rơi vào - có GDP chưa hiệu chỉnh thấp hơn hẳn các quí khác. Nếu áp dụng một kỹ thuật hiệu chỉnh mùa vụ, chuỗi GDP theo quí sẽ ít biến động hơn và phần lớn ảnh hưởng của Tết (và các yếu tố mùa vụ khác) trong Q1 sẽ được loại bỏ. Con số GDP được hiệu chỉnh này có thể tạm coi là một con số đại diện cho trường hợp giả tưởng tất cả các yếu tố mùa vụ không còn, bao gồm cả việc bỏ Tết ta.

Sử dụng một phương pháp hiệu chỉnh mùa vụ do Matthias Mohr ở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phát triển, kết quả là GDP Q1 trung bình sẽ tăng khoảng 8% so với GDP của Q4 trước đó. So với mức giảm 30% của chuỗi GDP chưa hiệu chỉnh, tác động tổng hợp của các yếu tố mùa vụ trong Q1 - mà Tết có vai trò quan trọng - là hơn 38%. Nghĩa là nếu loại bỏ tất cả các yếu tố mùa vụ trong Q1, bao gồm cả việc bỏ Tết ta, GDP của quí này sẽ tăng so với hiện tại khoảng 38%. Lưu ý rằng điều này không đồng nghĩa với GDP của cả năm sẽ tăng 9.5% (=38/4) vì nhiều hoạt động kinh tế hiện tại đang được dồn sang Q2 và Q4 sẽ được dàn bớt về Q1. Nhưng chỉ riêng việc năng lực sản xuất của nền kinh tế được sử dụng hiệu quả hơn trong Q1, loại bỏ các yếu tố mùa vụ (trong đó có Tết) sẽ có tác động rất tích cực lên toàn nền kinh tế.

Tất nhiên việc dời Tết ta về trùng với Tết tây sẽ không loại bỏ hoàn toàn yếu tố mùa vụ của hoạt động này. Người Việt có thể vẫn tiếp tục ăn chơi phung phí trong dịp Tết ta mới, các lễ hội vẫn rình rang, ngân sách vẫn chậm giải ngân cho các dự án đầu tư công trước và sau Tết. Loại bỏ những yếu tố này không chỉ đơn thuần là dời ngày ăn Tết mà còn cần những nỗ lực thay đổi hành vi sống và cung cách làm việc của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền. Tuy nhiên một công cuộc đổi mới có thể phải bắt đầu bằng một biện pháp thay đổi mạnh mẽ như bỏ Tết ta, điều mà nước Nhật đã chấp nhận để mở đầu thời kỳ cải cách lịch sử của họ.


Ghi chú: (*): Số liệu GDP của Việt Nam sử dụng trong bài này là số thống kê theo giá hiện hành và chưa được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ. Để giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quí được hiệu chỉnh với tốc độ tăng CPI cùng kỳ.


[Một version của bài này đã được đăng trên TBKTSG.]



NEER/REER Update

Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/...